Viêm nhiễm phụ khoa

Viêm quanh lỗ cổ tử cung là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị

24 Tháng Hai, 2021
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Viêm quanh lỗ cổ tử cung là gì? Đây là vấn đề được khá nhiều bạn đọc quan tâm và gửi câu hỏi về cho chuyên mục. Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, chuyên mục sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân và biện pháp phòng tránh.

Viêm quanh lỗ cổ tử cung là gì?

Viêm quanh lỗ cổ tử cung là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra xung quanh lỗ cổ tử cung – vị trí cuối cùng của tử cung, nơi tiếp giáp với âm đạo. Các tế bào tuyến bên trong cổ tử cung xâm lấn ra mặt bên ngoài cổ tử cung và chịu kích thích từ các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, kí sinh trùng. Viêm quanh lỗ cổ tử cung cũng chính là viêm lộ tuyến.

Viêm quanh lỗ cổ tử cung gây ra các triệu chứng khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày khiến phụ nữ căng thẳng, mệt mỏi, đặc biệt là trong vấn đề tình dục.

Cổ tử cung của bạn hoạt động như một hàng rào ngăn vi khuẩn và vi rút xâm nhập vào tử cung. Khi cổ tử cung bị nhiễm trùng, có nhiều nguy cơ nhiễm trùng sẽ di chuyển vào tử cung. Viêm cổ tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV từ bạn tình bị nhiễm bệnh.

Về lâu dài, nếu không được điều trị, các tác nhân gây bệnh sẽ ngược dòng lên các cơ quan phía trên tử cung, có thể gây viêm nhiễm toàn bộ vùng chậu, viêm tiểu khung. Viêm phát triển tại vòi trứng làm tăng nguy cơ kết dính vòi trứng, tinh trùng không thể kết hợp với trứng, nên người bệnh có thể bị vô sinh, hiếm muộn. Bên cạnh đó, khi bị viêm quanh lỗ cổ tử cung, khí hư tiết ra nhiều hơn, đặc quánh, môi trường sinh lý âm đạo thay đổi nên tinh trùng dễ bị giết chết khi bơi qua âm đạo, cổ tử cung. Trong trường hợp có thể thụ tinh, thì thai dễ phát triển tại ngay vòi trứng gây ra bệnh thai ngoài tử cung rất nguy hiểm.

Đọc thêm: Viêm cổ tử cung nhẹ có tự khỏi được không?

Nguyên nhân viêm quanh lỗ cổ tử cung là do đâu?

Viêm quanh lỗ cổ tử cung có thể do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Phổ biến nhất là chlamydia và bệnh lậu. Nhiễm trùng roi trichomonas và mụn rộp sinh dục cũng có thể gây viêm cổ tử cung. Do đó, phụ nữ quan hệ tình dục từ sớm, giao hợp với nhiều bạn tình hoặc không sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn thường có nguy cơ cao mắc các bệnh phụ khoa.

Trong một số trường hợp, viêm cổ tử cung không phải do nhiễm trùng. Những tác nhân gây bệnh có thể vốn tồn tại trong âm đạo và phát triển mạnh mẽ do phụ nữ thường xuyên thụt rửa âm đạo hoặc tiếp xúc với các chất kích thích, làm xáo trộn môi trường pH âm đạo.

Thông thường, nếu phụ nữ đã mắc phải một bệnh phụ khoa nào đó, ở hệ thống sinh dục phía dưới chẳng hạn như viêm âm đạo do Candida hay viêm âm đạo do tạp khuẩn, thì các yếu tố gây bệnh này sẽ di chuyển ngược dòng lên các cơ quan phía trên gây bệnh.

Viêm quanh cổ tử cung có biểu hiện, triệu chứng thế nào?

Triệu chứng của viêm quanh lỗ cổ tử cung không đặc thù, nên chị em ít khi nghi ngờ mình mắc bệnh này. Bệnh có các triệu chứng tương tự như viêm âm đạo, viêm tử cung. Bạn chỉ có thể biết khi đi khám phụ khoa vì một lí do khác chẳng hạn như siêu âm thai nhi hay kiểm tra vô sinh…

Sau đây là các triệu chứng của bệnh, phụ nữ cần lưu ý:

  • Dịch âm đạo tiết nhiều bất thường, màu sắc dịch âm đạo thay đổi (tùy theo tác nhân gây bệnh) và có mùi khó chịu;
  • Âm hộ sưng đỏ, đau;
  • Đau và ra máu bất thường khi quan hệ tình dục;
  • Nếu niệu đạo (ống dẫn nước tiểu) cũng bị nhiễm trùng, bạn có thể cảm thấy nóng rát khi đi tiểu hoặc đi tiểu nhiều lần.

Thông qua thăm khám phụ khoa, đặt mỏ vịt quan sát cổ tử cung sẽ thấy vùng này bị sưng đỏ, dễ chảy máu. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, mủ có thể chảy ra từ cổ tử cung. Trong khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ lấy một mẫu dịch tiết hoặc mủ từ lỗ cổ tử cung để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định xem bạn có bị nhiễm trùng như lậu, chlamydia, trichomonas hay mụn rộp sinh dục hay không. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra dấu hiệu sự phát triển của nấm men hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn. Những bệnh nhiễm trùng này có thể gây ra các triệu chứng tương tự, mặc dù chúng ảnh hưởng đến âm đạo hơn là cổ tử cung.

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra bên trong vùng chậu qua đường âm đạo, nếu như cổ tử cung, tử cung hoặc buồng trứng bị mềm thì có thể bạn bị bệnh viêm vùng chậu mà không chỉ là viêm cổ tử cung.

Điều trị viêm quanh lỗ cổ tử cung thế nào?

Đây là dạng bệnh lí phụ khoa thông thường, vì thế sử dụng kháng sinh là phương pháp điều trị phổ biến nhất trong hầu hết các trường hợp. Đối với các trường hợp khác, mức độ viêm lan rộng hơn thì có thể phải điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật.

Với phương pháp điều trị bằng thuốc

Bác sĩ sẽ khám cổ tử cung để nắm rõ mức độ viêm nhiễm và kê đơn thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc đặt âm đạo để tiêu viêm.

  • Vi khuẩn lậu thường được điều trị bằng cách tiêm thuốc kháng sinh ceftriaxone (Rocephin) và một liều thuốc uống azithromycin.
  • Chlamydia thường được điều trị bằng kháng sinh đường uống như azithromycin (Zithromax), doxycycline (được bán dưới một số thương hiệu), ofloxacin (Floxin) hoặc levofloxacin (Levaquin).
  • Nhiễm trichomonas được điều trị bằng thuốc kháng sinh metronidazole.

Nếu bạn bị mụn rộp sinh dục, thuốc kháng vi-rút có thể được kê đơn. Đây có thể là acyclovir (Zovirax), valacyclovir (Valtrex) hoặc famciclovir (Famvir). Bạn sẽ cần dùng thuốc trong tối đa 10 ngày kể từ lần đầu tiên phát triển mụn rộp sinh dục. Đối với những đợt bùng phát mụn rộp tái phát, bạn có thể dùng thuốc từ ba đến năm ngày.

Viêm quanh lỗ cổ tử cung do chấn thương hoặc đặt vòng tránh thai được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhắm vào loại vi khuẩn. Tình trạng viêm liên quan sẽ lành trong vòng vài ngày đến vài tuần.

Tình trạng viêm nhiễm sẽ dần biến mất trong vòng vài ngày đến một tuần sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Nếu bạn bị bệnh viêm vùng chậu, có thể mất một vài tuần để điều trị hoàn toàn.

Dùng thuốc kháng sinh tại chỗ và nhiều lần giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng đồng thời tiêu diệt vi khuẩn có lợi gây mất cân bằng pH âm đạo, khiến nấm, tạp khuẩn rất dễ xâm nhập. Nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại kháng sinh nào trong số này, bạn có thể kê đơn thuốc thay thế.

Mặc dù phương pháp này dễ thực hiện, nhưng cần có sự tuân thủ nghiêm túc của người bệnh. Bởi sử dụng thuốc không đúng cách, bệnh dễ tái phát dai dẳng. Điều quan trọng, khi được chẩn đoán bệnh, bạn tình của bạn cũng cần được điều trị hoặc cách li tình dục để ngăn chặn tái phát.

Các phương pháp điều trị khác

Viêm quanh lỗ cổ tử cung diện rộng ở mức độ nghiêm trọng thì sau khi sử dụng kháng sinh cần kết hợp điều trị bằng một trong các biện pháp dưới đây:

Phương pháp đốt điện

Đây là phương pháp sử dụng dụng cụ có dòng điện với luồng nhiệt cao để áp vào cổ tử cung, đốt bỏ vùng viêm nhiễm.

Mặc dù phương pháp này có ưu điểm là nhanh, nhưng triệt tiêu được vùng bị viêm thì có khi phải thực hiện diệt tuyết nhiều lần. Ngoài ra, sau khi đốt, cổ tử cung sẽ có các vết bỏng sâu tạo thành sẹo xơ cứng, làm giảm tính đàn hồi của vùng này. Cho nên, nếu phụ nữ sinh nở trong tương lai, vùng này dễ bị rách ra. Không những vậy, cổ tử cung có thể bị chít hẹp sau điều trị, gây ứ đọng máu kinh, ảnh hưởng tới quá trình thụ thai. Vì thế, phụ nữ chưa sinh con nên cân nhắc phương pháp này.

Phương pháp áp lạnh

Phương pháp này sử dụng luồng nito lỏng với nhiệt độ cực thấp (có thể tới ngưỡng -50 độ C) để áp vào vùng tế bào viêm tại cổ tử cung trong thời gian 1-2 phút. Các tế bào này sau đó sẽ dần bị đông lại và chết đi.

Sau khi thực hiện, người ta cần đợi ít nhất 30s để tan băng thì mới được rút dụng cụ ra. Sau vài ngày, các tế bào tuyến bị viêm sẽ dần bong tróc, một vài người sẽ thấy tình trạng dịch màu vàng chảy ra ngoài âm đạo trong khoảng 2 tuần nhưng điều này là bình thường và không có gì đáng lo ngại.

Phương pháp áp lạnh tuy thực hiện rất nhanh, không đau nhưng cũng có thể để lại biến chứng tương tự như phương pháp đốt điện.

Phương pháp dao leep

Phương pháp này sử dụng dòng điện áp thấp để loại bỏ tế bào lộ tuyến bị bệnh (làm thay đổi các biểu mô protein khiến các tế bào viêm lộ tuyến bị hoại tử); đồng thời giúp cầm máu để tạo điều kiện cho việc tái tạo các tế bào mới giúp cổ tử cung nhanh chóng hồi phục như trước.

Ưu điểm:

  • Cho hiệu quả cao
  • Không gây đau đớn, không để lại sẹo
  • Thời gian hồi phục nhanh
  • Chi phí tiết kiệm

Nhược điểm:

  • Bộ phận tiết dịch âm đạo ở cổ tử cung có thể bị hủy hoại do dao leep khoét sâu các tế bào viêm đông thời khoét cả bộ phận tiết dịch, điều này gây ảnh hưởng tới khả năng sinh nở sau này của phụ nữ do đó trước khi áp dụng cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Làm sao để phòng ngừa viêm quanh lỗ cổ tử cung?

Để giảm nguy cơ bị viêm cổ tử cung, phụ nữ cần chú ý tới thói quen vệ sinh vùng kín hằng ngày và đời sống tình dục của mình, cụ thể là:

Vệ sinh vùng kín đúng cách

  • Khi đại tiểu tiện, nên lau vùng kín, âm hộ bằng khăn giấy sạch, không có hương liệu, nên lau từ trước ra sau để tránh viêm nhiễm vi khuẩn từ hậu môn vào âm đạo.
  • Lau khô vùng kín sau khi tắm, không ngâm bồn, tắm bể bơi vào thời gian có kinh nguyệt.
  • Chọn lựa đồ lót với chất liệu thoáng khí, kích cỡ vừa vặn để tránh cho vùng kín bị ẩm ướt, bí bách. Sau khi vận động thể thao, nên thay đồ lót mới, tắm rửa sạch sẽ.
  • Khi rửa âm hộ, không thụt rửa sâu vào âm đạo, sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ với độ pH phù hợp, tuyệt đối không dùng xà phòng hay các dung dịch sát khuẩn mạnh để rửa vùng kín.
  • Đến chu kỳ kinh nguyệt, cần thay băng vệ sinh thường xuyên, rửa vùng kín 3-4 lần/ ngày để giảm mùi và ngừa viêm nhiễm, tránh lạm dụng băng vệ sinh hằng ngày cho cả những ngày thông thường.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Tránh sử dụng nước hoa vùng kín.
  • Tỉa lông định kì cho vùng kín, nhưng không nên dùng dao cạo hay kem tẩy lông, không xăm, xỏ khuyên tai ở vùng kín.

Duy trì đời sống tình dục lành mạnh

  • Phụ nữ không nên quan hệ tình dục khi còn quá trẻ hay quan hệ với nhiều bạn tình.
  • Cần sử dụng bao cao su khi giao hợp
  • Tránh giao hợp thô bạo, làm tổn thương âm đạo, cổ tử cung

Điều trị các bệnh lí phụ khoa khác

Viêm cổ tử cung là bệnh có thể hình thanh nếu phụ nữ vốn có một loại bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác. Do đó, khi phát hiện bất thường cần phải chủ động thăm khám và chữa bệnh sớm/ triệt để, nhằm ngăn chặn nguy cơ phát triển viêm nhiễm tới các cơ quan sinh dục khác trong khung chậu.

Như vậy, qua bài chia sẻ trên đã phần nào giúp bạn đọc trả lời được câu hỏi: Viêm quanh lỗ cổ tử cung là gì rồi phải không nào? Chúc bạn đọc luôn mạnh khỏe và đồng hành cùng chuyên mục.

Fanpage Dạ Hương: https://www.facebook.com/dahuonghoalinh

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận