Viêm nhiễm phụ khoa

Viêm cổ tử cung là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

25 Tháng ba, 2019
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh


Viêm cổ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay – Liệu bạn đã thực sự hiểu rõ về nó?

Viêm cổ tử cung là gì?

Viêm cổ tử cung là hiện tượng ống cổ tử cung xảy ra viêm nhiễm, lở loét hoặc mưng mủ do nấm, vi khuẩn, tạp khuẩn tấn công. Tưởng tượng tử cung của bạn là một trái bầu nằm ngược thì cổ tử cung là phần ống thắt hẹp ở giữa, nơi tiếp xúc với vách âm đạo. Phần nút thắt này chính là tuyến phòng thủ quan trọng để chống lại những mầm bệnh từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào.

Thế nhưng, nó lại dễ bị tổn thương nếu chịu những kích thích cơ học quá mạnh như các động tác giao hợp thô bạo, can thiệp phẫu thuật tử cung khi sinh con, nạo hút thai vv. Các tổn thương nhanh chóng trở thành sơ hở để hại khuẩn có sẵn trong âm đạo hoặc vi khuẩn từ môi trường bên ngoài tràn vào gây viêm nhiễm. Từ đó cổ tử cung hình thành các vết loét và mưng mủ.

Phát hiện triệu chứng

Viêm cổ tử cung phát triển qua 2 giai đoạn cấp tính và mãn tính, bạn có thể thấy một vài hoặc tất cả những biểu hiện sau đây:

Bạn thấy khí hư tiết nhiều bất thường

Đây là triệu chứng phổ biến, đôi khi cũng có thể là triệu chứng duy nhất. Khí hư tiết ra nhiều, màu vàng nhạt hoặc trắng đục, quánh đặc như mủ khiến âm đạo bị ngứa ngáy và có mùi hôi khó chịu.

Bạn bị đau ở vùng bụng dưới hoặc vùng thắt lưng

Viêm nhiễm làm cho các cơ quanh cổ tử cung tăng cường co thắt khiến cảm giác đau đớn vùng bụng dưới hoặc thắt lưng trở nên dữ dội hơn ngay cả khi không phải là chu kỳ kinh nguyệt.

Bạn có thường xuyên đi tiểu nhiều lần, tiểu rắt, tiểu buốt

Lý do là vì vùng viêm nhiễm cổ tử cung kích thích tới đường tiết niệu, cụ thể là bàng quang làm cho người bệnh thường xuyên muốn đi tiểu, rát buốt, đôi lúc còn xuất hiện máu trong nước tiểu.

Kinh nguyệt của bạn không đều

Tổn thương ở cổ tử cung ngoài việc khiến cho dịch âm đạo tiết ra nhiều, nó còn làm rối loạn kinh nguyệt của bạn cụ thể là: chu kỳ nguyệt san có thể đến sớm hoặc muộn hơn, số ngày của chu kì có thể bị kéo dài, lượng kinh nguyệt tiết ra không đều.

Bạn cảm thấy đau rát và có thể chảy máu khi làm “chuyện ấy”

Viêm cổ tử cung khiến cho các cơ trơn quanh cổ tử cung kém đàn hồi, nên trong quá trình “yêu”, bạn có thể cảm thấy đau, chảy máu và khó đạt khoái cảm.

Tìm kiếm nguyên nhân

Tác nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm cổ tử cung là:

  • Các mầm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD): Neisseria gonorrhoeae (khuẩn lậu), Trichomonas (trùng roi sinh dục)  và Mycoplasma chlamydia .
  • Các mầm bệnh nội sinh: Staphylococcus (tụ cầu khuẩn), Streptococcus (phế cầu khuẩn), Escherichia coli (khuẩn E.coli)

Những nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ bị viêm cổ tử cung bao gồm:

Do kích thích cơ học hoặc chấn thương

Nhiễm trùng thứ phát khi sinh con hoặc nạo phá thai làm rách cổ tử cung, can thiệp phẫu thuật để chữa các bệnh phụ khoa hoặc thẩm mỹ vùng kín là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm cổ tử cung cấp tính.

Kích thích các yếu tố vật lý và hóa học (dị ứng)

Rửa vùng kín bằng dung dịch có nồng độ axit hoặc kiềm cao (xà phòng diệt khuẩn, sữa tắm…), khiến cho các mô cổ tử cung bị ăn mòn gây ra viêm nhiễm. Âm đạo bị mắc kẹt dị vật lạ (bao cao su, bông gòn, tampon) hoặc tiếp xúc với hóa chất trong giấy vệ sinh, nước xả vải, nước hoa, lạm dụng thuốc, kem dưỡng da vùng kín…gây mất cân bằng pH âm đạo, xáo trộn môi trường vi khuẩn.

Sinh hoạt tình dục không lành mạnh

Phụ nữ có quan hệ tình dục quá sớm, nhiều lần, không vệ sinh vùng kín sạch sẽ và sử dụng các biện pháp an toàn tình dục có khả năng cao mắc viêm cổ tử cung.

Viêm cổ tử cung và mối nguy hại

Viêm cổ tử cung khiến bạn chịu những ảnh hưởng về tâm lý ít nhiều. Ngứa ngáy, mùi hôi, vùng kín ẩm ướt liệu có khiến bạn khó chịu và mất tự tin khi giao tiếp. Bạn khó tránh khỏi những lo ngại về chuyện vợ chồng. Tất nhiên “chuyện ấy” sẽ chẳng còn được suôn sẻ như lúc trước, bởi những cơn đau rát hành hạ khiến bạn phải khổ sở chịu đựng. Ham muốn giảm, bạn sợ gần gũi chồng.

Bạn có thể mất khả năng làm mẹ – điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì viêm cổ tử cung làm xói mòn cổ tử cung (bề mặt cổ tử cung mất đi các màng nhầy màu hồng và mịn, bề mặt không đều và có màu đỏ, là kết quả của sự thay thế biểu mô vảy ở cổ tử cung). Từ đó, quá trình bài tiết dịch nhầy âm đạo tăng lên đáng kể, kết cấu của dịch nhầy chứa nhiều tế bào bạch cầu, nó sẽ ngăn cản quá trình di chuyển của tinh trùng khi bơi qua cổ tử cung làm ảnh hưởng đến việc thụ thai. Không những vậy, viêm cổ tử cung làm thay đổi các mô liên kết, giảm độ đàn hồi, sẽ khiến quá trình chuyển dạ khó khăn hơn, phụ nữ có nguy cơ bị sảy thai.  Và nếu viêm cổ tử cung nghiêm trọng, nó cũng có thể biến thành ung thư cổ tử cung.

Chẩn đoán bệnh bị mắc viêm cổ tử cung

Vấn đề thường gây khó khăn cho các chuyên gia y tế hoặc bản thân phụ nữ khi tự chẩn đoán ở giai đoạn ban đầu đó là các triệu chứng viêm cổ tử cung thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó việc khám bằng cách sàng lọc thông tin cá nhân và dựa trên biểu hiện bên ngoài là chưa đủ. Nếu bạn tới phòng khám, bạn có thể được áp dụng những phương pháp chẩn đoán như sau:

1. Khám âm đạo bằng mỏ vịt

Chuyên gia y tế sẽ dùng tay ấn vào vùng ổ bụng và vùng chậu của bạn xem có dấu hiệu đau hay không. Tiếp đó, dùng mỏ vịt mở rộng cửa âm đạo và quan sát tổn thương thông qua kính lúp, bạn có thể cảm thấy đôi chút khó chịu khi đang tiến hành kiểm tra.

  • Đối với viêm cổ tử cung cấp tính: soi dưới kính lúp có thể phát hiện cổ tử cung bị tắc nghẽn, niêm mạc đỏ và phù nề.
  • Đối với viêm cổ tử cung mãn tính: có thể thấy rằng cổ tử cung giống như bị ăn mòn và rất dễ chảy máu, hoặc xuất hiện tuyến màu vàng bao phủ cổ tử cung, cổ tử cung bị phì đại, polyp hoặc có u nang.

2. Thực hiện xét nghiệm

Xét nghiệm dịch âm đạo (bằng phương pháp soi tươi), xét nghiệm nước tiểu, sinh thiết tế bào cổ tử cung (áp dụng trong những trường hợp nghiêm trọng), xét nghiệm huyết thanh hoặc HIV (có thể không bắt buộc).

Các phương pháp điều trị viêm cổ tử cung

Tùy thuộc vào cơ địa, mức độ nghiêm trọng của bệnh lý hay tình trạng đặc biệt (đang mang thai, sau sinh, đang có tiền sử bệnh khác) mà chuyên gia y tế sẽ giúp bạn đưa những lời khuyên cho phương pháp điều trị phù hợp.

1. Kê đơn kháng sinh

Đa phần các trường hợp viêm cổ tử cung cấp tính – mức độ nhẹ thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh (ví dụ doxycycline hoặc azithromycin) kháng virus để loại bỏ nhiễm trùng (thuốc đặt hoặc thuốc uống). Bạn nên sử dụng đơn thuốc theo chỉ dẫn của chuyên gia y tế, tránh việc tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

2. Nhiệt trị liệu

Nhiệt trị liệu hay còn gọi là phương pháp đốt điện, bằng cách dùng nguồn điện có tần số cao đốt cháy những tế bào viêm loét bên trong cổ tử cung. Để giảm cơn đau bác sỹ sẽ tiến hành gây tê trước khi thực hiện. Tiếp theo, một tăm bông chuyên dụng được đưa vào để vệ sinh sạch sẽ cổ tử cung, sau đó bác sĩ dùng que tỏa nhiệt để phá hủy mô bệnh.

3. Dùng laser điều trị viêm cổ tử cung

Ở phương pháp này, người thực hiện sẽ dùng các tia laser có cường độ cao chiếu trực tiếp vào phần biểu mô bất thường trong cổ tử cung, phá vỡ chúng để tiêu diệt mầm bệnh. Bệnh nhân sẽ được gây mê trước khi thực hiện.

4. Dùng nhiệt lạnh điều trị viêm cổ tử cung

Những trường hợp phụ nữ bị viêm cổ tử cung mãn tính, tái phát nhiều lần, thì sẽ được khuyên áp dụng phương pháp điều trị bằng nhiệt lạnh. Đây là thủ thuật sử dụng nhiệt độ cực lạnh (nito lỏng) để phá hủy các tế bào bất thường. Phẫu thuật thường không gây đau đớn nhưng có thể để lại tổn thương là các vết sẹo xơ cứng, hoặc một vài nhiễm trùng khác. Do đó cần đòi hỏi người thực hiện có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm.

Phòng tránh viêm cổ tử cung ở nữ giới

Thay đổi thói quen sinh hoạt và lối sống kết hợp song song với điều trị y tế chuyên nghiệp sẽ giúp bạn ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm cổ tử cung hiệu quả:

  • Chú ý vệ sinh trước và sau khi “yêu”, quan hệ tình dục chung thủy với một bạn tình, tránh gần gũi vào những ngày đèn đỏ. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm cổ tử cung.
  • Thực hiện các biện pháp tránh thai kịp thời và hiệu quả để phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn giúp giảm nguy cơ chấn thương và nhiễm trùng do vi khuẩn .
  • Loại bỏ các yếu tố gây kích ứng âm đạo: sử dụng tampon hoặc loại băng vệ sinh phù hợp, vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh an toàn, tránh sử dụng xà phòng, sữa tắm hay các dung dịch có hoạt chất tẩy rửa mạnh, không nên thụt rửa âm đạo vì làm tăng nguy cơ gây kích ứng vùng kín.
  • Chọn lựa đồ lót có chất liệu cotton thoáng mát, co giãn tốt để làm giảm sự tích tụ độ ẩm và vi khuẩn tại vùng kín.

Xem thêm: Những thực phẩm NÊN ăn và KHÔNG NÊN ăn để đảm bảo sức khỏe vùng kín

Lời khuyên: Khi bạn thấy những biểu hiện bất thường tại vùng kín, chúng tôi khuyên bạn nên tới trung tâm y tế để khám phụ khoa chi tiết. Đừng tự ý điều trị một cách mù quáng. Nó chỉ làm tăng thêm nguy cơ biến chứng và khiến bạn mất nhiều thời gian hơn cho việc phục hồi.

Tham khảo từ nguồn:

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận