Viêm nhiễm phụ khoa

Viêm âm đạo do Trichomonas – triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

26 Tháng Sáu, 2021
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Viêm âm đạo do Trichomonas là tình trạng viêm nhiễm ở đường sinh sản nữ do trùng roi Trichomonas vaginalis gây ra. Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Viêm âm đạo do Trichomonas có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, vô sinh và đẻ non ở phụ nữ.

Trùng roi Trichomonas là gì?

Trùng roi Trichomonas vaginalis là một loại kí sinh trùng đơn bào, có hình dạng giống quả lê, được dẫn động bởi 4 roi phụ (chuyển động quay), phía trước là 1 đầu nhọn. Kích thước của nó xấp xỉ với tế bào bạch cầu, dài 10-20 μm và rộng 2-14 μm

Trùng roi trong suốt. Với nền nhiệt khoảng 46 độ C, nó có thể sống sót trong 20-60 phút, trong nước xà phòng thông thường, nó cũng có thể tồn tại trong 45-120 phút.

Năm 1836, Donne lần đầu tiên mô tả Trichomonas vaginalis có trong dịch tiết âm đạo của phụ nữ. Ký sinh trùng Trichomonas ở âm đạo có thể gây xung huyết niêm mạc, phù nề, bong tróc tế bào biểu mô và viêm bạch cầu, nhưng mức độ triệu chứng lâm sàng do nhiễm trùng là khác nhau và có thể dẫn đến nhiễm trùng mãn tính.

Trichomonas không phát triển trong môi trường Ph< 5 hoặc >7,5. Giá trị pH trong âm đạo của bệnh nhân viêm âm đạo do Trichomonas thường là 5,1 đến 5,4. Trichomonas ẩn trong các tuyến và nếp gấp âm đạo, nó thường sinh sản trước và sau kỳ kinh nguyệt, gây viêm nhiễm.

Loại trùng roi này có thể tiêu thụ hoặc nuốt glycogen trong các tế bào biểu mô âm đạo và cản trở việc sản xuất axit lactic. Trichomonas không chỉ ký sinh trong âm đạo. Nó cũng thường xâm nhập vào niệu đạo hoặc các tuyến paraurethral, ​​thậm chí là bàng quang, bể thận và các nếp gấp bao quy đầu, niệu đạo hoặc tuyến tiền liệt của nam giới.

Triệu chứng viêm âm đạo do Trichomonas

Theo các nghiên cứu, khoảng 2-50% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn đầu khi nhiễm trùng roi Trichomonas. Tình trạng khó chịu của phụ nữ có thể kéo dài 1 tuần hoặc vài tháng, sau đó sẽ thuyên giảm do kinh nguyệt hoặc mang thai.

Các triệu chứng chủ yếu biểu hiện như: tăng tiết dịch âm đạo, cảm giác ngứa âm hộ ở các mức độ khác nhau, một số ít có cảm giác đau rát, thường là khi giao hợp, v.v. Đặc điểm điển hình của dịch tiết là: có mủ loãng, màu vàng xanh, có bọt và có mùi hôi. Nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh có thể đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt, có khi tiểu ra máu.

Khám phụ khoa thấy niêm mạc âm đạo bị viêm và có màu đỏ tươi do bị xung huyết, bao phủ bởi màng giả loang lổ, thường kèm theo dịch tiết có bọt. Trường hợp nặng có những chấm chảy máu rải rác, thậm chí có những chấm chảy máu ở cổ tử cung, hậu môn có nhiều dịch mủ có màu vàng xám, vàng. 

Nguyên nhân gây bệnh

Theo một nghiên cứu (2016) xác định tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục dưới ở nhóm đối tượng gồm 1228 phụ nữ có chồng tại TP. Cần Thơ cho kết quả: Phụ nữ bị nhiễm trùng đường sinh dục dưới do Trichomonas chiếm 3.5%, các tác nhân khác như Gardnerella vaginalis (24,3%), nấm Candida (20,4%), Lậu (6,3%), Chlamydia trachomatis (5,7%).

Những con số này cho thấy tỷ lệ nhiễm trùng đường sinh dục dưới ở phụ nữ còn khá cao. Đối với viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis, tác nhân lây truyền chủ yếu thông qua con đường tình dục. Nam giới thường không có triệu chứng sau khi bị nhiễm Trichomonas nên rất dễ trở thành nguồn lây bệnh. Bệnh cũng có thể lây truyền gián tiếp qua nhà tắm công cộng, bể bơi, bồn tắm và quần áo bị nhiễm trùng roi. 

Vì vậy, việc tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn về cách phòng chống bệnh, các kiến thức để duy trì đời sống tình dục lành mạnh là rất quan trọng nhằm góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh phụ khoa nói chung.

Chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas ở phụ nữ, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phết tế bào âm đạo để kiểm tra mẫu dịch tiết âm đạo và nước tiểu.  Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu lấy mẫu phân để kiểm tra sự xuất hiện của loại kí sinh trùng này. Mẫu sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm, kết quả có sau 1-2 ngày.  Bác sĩ sẽ cho bạn biết tình trạng của bản thân và tư vấn phác đồ điều trị cụ thể.

Viêm âm đạo do Trichomonas cũng thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung. Các xét nghiệm liên quan trong phòng thí nghiệm nên được thực hiện để loại trừ bệnh lậu , chlamydia và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Điều trị viêm âm đạo do Trichomonas như thế nào?

Vì Trichomonas có thể có đồng thời ở âm đạo, niệu đạo, hậu môn, cho nên việc điều trị viêm âm đạo do Trichomonas cần dùng thuốc toàn thân. Metronidazole là một loại kháng sinh hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng roi trichomonas, tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 90-55%. Tỷ lệ khỏi bệnh có thể tăng lên khi điều trị đồng thời cho bạn tình bằng metronidazole. Quá trình điều trị kéo dài từ 7-10 ngày.

Có 3 phác đồ thường áp dụng điều trị bệnh đó là:

  1. Metronidazol 2g hoặc Tinidazole 2g uống liều duy nhất. Tinidazole có nhiều ưu điểm: đạt được nồng độ trong máu cao,phân bố tốt đến hệ niệu, thời gian bán hủy dài và ít tác dụng phụ về đường tiêu hóa hơn Metronidazol, nhưng về giá thành thì cao hơn nhiều.
  2. Metronidazol 500mg uống 2 lần/ngày × 7 ngày
  3. Đặt âm đạo Metronidazol 250mg/ngày trong 10 ngày

Lưu ý khi điều trị:

  • Không sử dụng thức uống có cồn trong vòng 24 giờ sau uống Metronidazol, và trong 72 giờ sau Tinidazole.
  • Tránh quan hệ trong giai đoạn điều trị, đến khi người bệnh đã hoàn tất liệu trình điều trị và cải thiện hoàn toàn triệu chứng cũng như đã điều trị cho bạn tình.
  • Hỗ trợ tạo acid môi trường âm đạo bằng acid lactic hoặc bổ sung thêm nguồn trực khuẩn Lactobacillus có lợi cho môi trường âm đạo.

Ngoài ra, viêm âm đạo do Trichomonas có liên quan đến vỡ ối sớm, đẻ non, trẻ nhẹ cân và các kết quả thai kỳ bất lợi khác, nên việc nhiễm Trichomonas vaginalis khi mang thai cần được điều trị kịp thời. Metronidazole là một loại thuốc nhóm B trong thời kỳ mang thai và có thể được sử dụng một cách an toàn với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Theo CDC, không có bằng chứng về việc sử dụng Metronidazol trong thai kỳ gây ảnh hưởng bất lợi cho thai nhi nên thai phụ có thể sử dụng 2g Metronidazol liều duy nhất ở bất kì tuổi thai nào. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn, các nhà lâm sàng nên cân nhắc nguy cơ và lợi ích của việc điều trị cũng như tư vấn cụ thể với bệnh nhân trước khi sử dụng Metronidazol trong thai kỳ.

Làm gì khi bệnh nhân viêm âm đạo

2,5% đến 5% số người bị nhiễm Trichomonas có mức độ kháng metronidazole khác nhau;

(1) Vấn đề này thường có thể được khắc phục bằng cách tăng liều metronidazol uống, đối với những bệnh nhân không đáp ứng với metronidazol 2g, có thể thay đổi thành 500 mg x 2 lần / ngày trong 7 ngày;

(2) Nếu điều trị vẫn không hiệu quả, chuyển sang metronidazol 2 g, ngày 1 lần trong 3 đến 5 ngày.

(3) Điều trị bằng tinidazole đường uống và đặt âm đạo, uống mỗi ngày từ 2 đến 3 g, đặt âm đạo từ 1 đến 1,5 g, tổng cộng là 14 ngày.

(4) Tinidazole liều cao (2 g, 2 lần / ngày) bổ sung với kháng sinh phổ rộng như ampicillin và thuốc đạn clotrimazole trong 7 đến 14 ngày.

(5) Metronidazole 1g / ngày bổ sung với 100mg nonoxynol-9 (N-9) đặt âm đạo 1 lần / ngày trong tổng cộng 7 ngày.

Viêm âm đạo doTrichomonas có ​​dễ tái phát không?

Bệnh nhân bị viêm âm đạo do Trichomonas có thể khỏi sau khi điều trị, nhưng vẫn có nguy cơ tái nhiễm khi họ tiếp xúc với các vật dụng có Trichomonas. Vì vậy, người bệnh nên thay quần lót hàng ngày, nếu cần thiết sau khi giặt có thể đun sôi khử trùng rồi phơi nắng. Bồn tắm và khăn tắm của bệnh nhân cũng cần được khử trùng sau mỗi lần sử dụng.

Tình dục là con đường lây truyền quan trọng của bệnh viêm âm đạo do Trichomonas, trong thời gian điều trị không được sinh hoạt tình dục. Vì hầu hết các bệnh nhân nam không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng sau khi bị nhiễm trùng roi trichomonas nên họ có khả năng trở thành nguồn lây nhiễm, các cặp vợ chồng có thể bị lây nhiễm chéo và lặp đi lặp lại trong cuộc đời chung, vì vậy đối với bệnh nhân viêm âm đạo, vợ chồng họ bắt buộc phải điều trị đồng thời.

Trên đây là những thông tin Dahuong.vn cung cấp về bệnh viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas gây ra. Để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những ảnh hưởng của bệnh, các chị em cần duy trì đời sống tình dục lành mạnh, vệ sinh vùng kín khoa học và khám phụ khoa định kỳ hằng năm. Nếu phát hiện mắc bệnh, hãy chủ động điều trị càng sớm càng tốt.

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận