Sức khỏe sinh sản

Uống thuốc tránh thai bị chậm kinh 1 tháng có sao không?

25 Tháng mười, 2021
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Dùng thuốc tránh thai bị chậm kinh là tình trạng phổ biến gặp phải ở nhiều chị em. Trong thời gian đầu dùng thuốc tránh thai, kỳ kinh nguyệt của bạn có thể đến chậm hơn một vài ngày do cơ thể chưa thích nghi được với những thay đổi nội tiết khi thuốc phát huy tác dụng. Tuy nhiên, có những trường hợp chị em bị chậm kinh 1 tháng sau khi uống thuốc tránh thai. Lý do bạn gặp phải tình trạng này là gì, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu về thuốc tránh thai và cơ chế hoạt động của thuốc

Sử dụng thuốc tránh thai là một phương pháp hữu hiệu, tiện lợi để không mang thai sau khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn. Thuốc tránh thai có thể loại trừng khả năng mang thai đến 99% nếu sử dụng đúng cách. Các loại thuốc tránh thai hiện này thường thuộc 1 trong 2 nhóm thuốc sau

Nhóm thuốc tránh thai kết hợp

Có chứa 2 loại hormone là estrogen và progestin. Thuốc tránh thai kết hợp giúp ngừa thai bằng cách sử dụng các hormone tổng hợp, đưa vào cơ thể khiến quá trình rụng trứng bị ức chế, trứng không rụng hàng tháng nên không xảy ra quá trình thụ tinh.

Đồng thời, các hormone tổng hợp này cũng kích thích thành tử cung tiết chất nhầy nhiều hơn, đặc hơn làm ngăn cản quá trình tinh trùng bơi lđến gặp trứng. Qua đó, hạn chế khả năng thụ tinh của trứng và tinh trùng.

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin không chứa estrogen

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin làm tăng dịch nhầy tử cung ngăn cản quá trình di chuyển của tinh trùng và cũng có khả năng làm mỏng niêm mạc tử cung khiến tổ hợp trứng đã thụ tinh có làm tổ để tạo thành phôi thai. Theo liều lượng và tình huống sử dụng, bạn có thể uống thuốc tránh thai theo liệu trình hàng ngày hoặc dùng thuốc tránh thai khẩn cấp.

Thuốc tránh thai khẩn cấp

Loại thuốc này thường được sản xuất ở dạng vỉ 1 viên hoặc 2 viên, chỉ định sử dụng ngay sau khi quan hệ tình dục, tốt nhất là trong vòng 24h. Thuốc tránh thai khẩn cấp thường chứa hàm lượng progestin cao hơn nhiều so với thuốc tránh thai hàng ngày nên nó phát huy tác dụng nhanh hơn. Thuốc có thể sử dụng ở dạng không kê đơn, có bán nhiều tại các nhà thuốc uy tín.

Thuốc tránh thai hàng ngày

Thuốc tránh thai uống hàng ngày cũng có tác dụng tương tự thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng liều lượng của thuốc nhẹ hơn. Thuốc tránh thai hàng ngày có loại vỉ 21 viên và vỉ 28 viên, chị em nên bắt đầu sử dụng viên thuốc đầu tiên sau ngày cuối cùng có kinh nguyệt.

Lưu ý đối với thuốc tránh thai chỉ chứa progestin uống hàng ngày, bạn cần uống thuốc đều đặn vào cùng một khung giờ, nếu không tuân thủ quy tắc này, thuốc sẽ không đạt được tác dụng ngừa thai tốt nhất. Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin phù hợp với bà mẹ đang cho con bú bởi nó không làm ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra cũng như chất lượng sữa.

Chậm kinh 1 tháng sau khi dùng thuốc tránh thai 

Do tác dụng phụ của thuốc tránh thai gây chậm kinh. Thông qua cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai, có thể thấy rằng tránh thai bằng thuốc có thể làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, vì thế chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng và hiện tượng chậm kinh là bình thường. Đặc biệt nhiều bạn sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp với tần suất thường xuyên. Thì thời gian chậm kinh có thể sẽ càng kéo dài hơn so với dùng thuốc tránh thai hàng ngày.

Đối với thuốc tránh thai hàng ngày, vỉ 21 viên bạn nên nghỉ 7 ngày sau đó mới uống tiếp vỉ tiếp theo. Trong quãng thời gian nghỉ này bạn thường sẽ có kinh nguyệt. Tương tự như vậy, uống thuốc tránh thai vỉ 28 viên thì 7 viên cuối sẽ là giả dược, không chứa hormone. Nếu như bạn không có kinh nguyệt trong thời gian này, bạn cũng không cần quá lo lắng, hãy theo dõi thêm hoặc liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

Một số nguyên nhân khác gây chậm kinh 1 tháng 

Chậm kinh do mang thai

Bên cạnh lý do bị chậm kinh do dùng thuốc tránh thai, nếu thời gian chậm kinh của bạn kéo dài đến 1 tháng, bạn có thể xem xét các nguyên nhân khác như: Sử dụng thuốc tránh thai cũng không có nghĩa là chắc chắn bạn không thể có thai. Xác suất có thai vẫn xảy ra với một số trường hợp. Đặc biệt là những chị em dùng thuốc chưa đúng cách, thường xuyên quên liều hoặc không uống thuốc đúng khung giờ.

Mang thai khiến cho niêm mạc tử cung không còn bong ra và có kinh nguyệt. Các biểu hiện đi kèm chậm kinh khi có thai thường bao gồm: mệt mỏi, buồn nôn, căng tức ngực, âm đạo ra máu nhẹ, đau thắt lưng. Để phát hiện mình có đang mang thai hay không, bạn có thể dùng đến que thử thai hoặc đi khám sản khoa để xác định nguyên nhân chậm kinh có phải do đang mang thai không?

Xem thêm: Những dấu hiệu cho biết bạn đang có thai

Căng thẳng kéo dài dẫn đến trễ kinh

Khi tinh thần căng thẳng quá mức, hoạt động của hormone vùng dưới đồi bị ảnh hưởng, hậu quả là sự điều tiết hormone sinh dục bị ảnh hưởng. Từ đó dẫn tới tình trạng trễ kinh, mất kinh tạm thời.

Chế độ ăn kiêng giảm cân gây chậm kinh

Nghe tưởng chừng như vô lý, nhưng mà đây lại là sự thật đấy các chị em nhé. Các chế độ ăn kiêng ít calo với mục đích giảm cân có thể khiến cho năng lượng dành cho hoạt động sản xuất hormone cũng bị giảm đi, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, gây chậm kinh. Vậy nên, hãy đảm bảo chế độ ăn sao cho lượng dinh dưỡng phù hợp giúp đảm bảo sức khỏe.

Một số tác dụng phụ khác của thuốc tránh thai

Buồn nôn, đau bụng, đầy hơi

Thuốc tránh thai có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, khiến chị em có các biểu hiện nôn ói, đầy hơi khó chịu. Triệu chứng thường gặp khi mới sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Nếu vừa uống thuốc mà bị nôn, bạn có thể uống bổ sung ngay 1 liều khác thay thế.

Đau đầu, chóng mặt

Đây cũng là biểu hiện gặp phải ở 3-6% số phụ nữ dùng thuốc tránh thai. Nếu sau 1, 2 tháng sử dụng thuốc, tình trạng đau đầu vẫn không chấm dứt, bạn cần liên hệ với y tế chuyên khoa.

Chảy máu âm đạo

Nếu bạn thấy máu xuất hiện từ âm đạo sau khi dùng thuốc tránh thai, đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp. Nguyên nhân có thể là do thuốc tránh thai chứa hormone kích thích sự vỡ mao mạch và chảy máu ở thành tử cung. Lượng máu xuất huyết thường ít và hết nhanh, bạn cũng không cần quá lo lắng.

Đau, sưng ngực

Sự thay đổi hormone từ thuốc tránh thai kích thích tuyến vú tăng kích thước và tích nước nhiều hơn khiến bạn có cảm giác căng cứng bầu ngực và núm vú.

Nguy cơ gây ra bệnh lý

Một số cơ quan có thể bị ảnh hưởng nếu lạm dụng thuốc tránh thai chứa hormone tổng hợp. Những bệnh lý có thể gặp phải trong trường hợp này như ung thư cổ tử cung, bệnh tim mạch, ung thư vú…

Những lưu ý sử dụng thuốc tránh thai an toàn

Đối với thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên

Thuốc này đúng như tên gọi của nó, bạn chỉ cần sử dụng 1 viên trong vòng 72h từ khi có quan hệ tình dục thì thuốc có tác dụng ngừa thai như sau:

  • Uống thuốc tránh thai khẩn cấp trong vào 24h đầu, hiệu quả ngừa thai đạt tới 95%.
  • Uống thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 24 – 48h, đạt hiệu quả là 85%.
  • Sử dụng thuốc khẩn cấp trong thời gian từ 48 – 72h đồng hồ sau khi quan hệ tình dục, hiệu quả tránh thai chỉ đạt 58%.

Vì vậy, tốt nhất bạn nên dùng thuốc càng sớm sau khi phát sinh quan hệ tình dục thì hiệu quả tránh thai đạt được càng cao.

Đối với thuốc tránh thai khẩn cấp 2 viên

2 viên thuốc cần được sử dụng như sau, viên đầu tiên dùng ngay sau khi quan hệ, viên thứ 2 được dùng trong 12h tiếp theo. Bạn cần đảm bảo uống đủ liều lượng là 2 viên thì mới có tác dụng ngừa thai triệt để.

Lưu ý khi dùng thuốc tránh thai hàng ngày

Như đã nói ở trên, thuốc tránh thai dùng hàng ngày có vỉ 21 viên và 28 viên (chứa 7 viên giả dược). Vì vậy, cách sử dụng thuốc là bạn uống thuốc hàng ngày kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Trong vòng 7 ngày đầu thuốc có thể chưa phát huy hết tác dụng tránh thai, bạn cần sử dụng thêm biện pháp an toàn như dùng bao cao su trong quá trình quan hệ tình dục.

Nên sử dụng thuốc vào cùng một khung giờ và tránh quên uống thuốc. Nếu bạn đã quên liều thì nên uống bổ sung trong vòng 12h. Khi đang sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý khác, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ vì một số thành phần của các nhóm thuốc có thể tương tác với nhau, gây ra tác dụng không mong muốn.

Nếu muốn có thai trở lại, bạn cần dùng hết vỉ thuốc, sau đó chờ có kinh trở lại và “thả” để có thai. Không nên ngưng thuốc giữa chừng vì nếu có thai ngay sau đó, nồng độ của thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Nhìn chung, chậm kinh 1 tháng hoặc hơn sau khi uống tránh thai là do tác dụng phụ thì bạn chỉ cần điều dưỡng cơ thể thật tốt, kết hợp theo dõi các biểu hiện của cơ thể. Nếu tình trạng chậm kinh kéo dài khiến bạn lo lắng, hãy liên hệ với bác sĩ, có thể bạn sẽ được chỉ định ngưng dùng thuốc và chuyển sang áp dụng các biện pháp ngừa thai khác như đặt vòng, cấy que ngừa thai, hay thắt ống dẫn tinh ở nam giới…

Tham khảo: Các biện pháp tránh thai an toàn

Hy vọng qua bài viết này, chị em đã hiểu hơn về tình trạng chậm kinh sau khi sử dụng thuốc tránh thai và có kiến thức tránh thai an toàn. Cảm ơn đã đón đọc.

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận