Sức khỏe sinh sản

34 triệu chứng tiền mãn kinh và cách cải thiện chi tiết nhất

27 Tháng mười, 2023
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Mãn kinh là giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời của phụ nữ, thường xảy ra vào độ tuổi từ 45 đến 55. Sự thay đổi hormone trong giai đoạn này, đặc biệt là estrogen có thể tạo ra những thay đổi bên trong cơ thể, gọi là triệu chứng tiền mãn kinh. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những biểu hiện phổ biến của tiền mãn kinh và cách quản lý chúng để có cuộc sống khỏe mạnh và thoải mái hơn.

rung-toc-tien-man-kinh

1. Sốc điện nhẹ

“Sốc điện nhẹ” là triệu chứng không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh. Tình trạng này đặc trưng bởi cảm giác như có dòng điện nhẹ chạy qua cơ thể, đặc biệt là ở cánh tay hoặc chân. Cảm giác sốc điện nhẹ không gây ra hại cho sức khỏe. Để cải thiện, chị em nên tập thể dục thể thao nhiều hơn.

2. Bốc hỏa

Triệu chứng bốc hỏa là một phần tự nhiên của quá trình mãn kinh ở phụ nữ. Tình trạng này đặc trưng bởi những cơn nóng trong người đột ngột, lan rộng từ vùng ngực lên mặt và đầu. Có nhiều phương pháp để cải thiện triệu chứng tiền mãn kinh này. Thực hiện liệu pháp hormone thay thế hoặc các loại thuốc theo chỉ định là một cách. Ngoài ra, thay đổi lối sống và ăn uống lành mạnh cũng có thể mang đến hiệu quả.

3. Đổ mồ hôi về đêm

Triệu chứng đổ mồ hôi về đêm là một phần tự nhiên của quá trình mãn kinh ở phụ nữ. Nó có thể gây mệt mỏi, suy nhược cơ thể do ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Theo các nghiên cứu, nguyên nhân chính là do sự suy giảm của hormone estrogen khiến hệ thống điều hòa nhiệt độ của cơ thể bị ảnh hưởng. Để hạn chế những ảnh hưởng của tình trạng này, chị em nên giữ môi trường ngủ thoáng mát và thoải mái.

boc-hoa-do-mo-hoi
Bốc hỏa tiền mãn kinh có thể kéo theo tình trạng đổ mồ hôi.

4. Rối loạn giấc ngủ

Trong khi nhiều người coi tiền mãn kinh là thời gian để thư giãn thì nhiều phụ nữ khác lại rất khó khăn để có một giấc ngủ ngon. Estrogen và progesterone là hai hormone giúp duy trì chu kỳ giấc ngủ cơ bản của chúng ta. Khi lượng hormone này thay đổi, tình trạng khó ngủ, thường xuyên thức giấc vào ban đêm sẽ lặp lại liên tục. Chị em có thể cải thiện tình trạng này bằng cách thiết lập giờ ngủ nhất quán mỗi ngày, tạo môi trường ngủ thoải mái và hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.

5. Đau ngực

Sự giảm dần của hormone estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể tác động đến mô vú, làm căng ngực, dẫn đến đau ngực. Chị em có thể chọn một chiếc áo lót có gọng mềm để làm giảm cảm giác đau. Nếu triệu chứng tiền mãn kinh này ngày một nặng, hãy thăm khám bác sĩ để theo dõi sức khỏe và được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

6. Khô âm đạo

Thông thường, hormone estrogen giúp duy trì niêm mạc âm đạo mềm mịn và đủ dầu. Tuy nhiên nội tiết tố này sẽ giảm đi vào giai đoạn tiền mãn kinh. Khi lượng dầu giảm đi, âm đạo dần trở nên khô khốc hơn, việc quan hệ có thể gây ngứa ngáy, chảy máu. Đó cũng là lý do phần lớn phụ nữ trong giai đoạn này đều bị giảm ham muốn tình dục. Không chỉ vậy, nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhiễm trùng nội tiết. Để cải thiện tình trạng này, chị em có thể sử dụng các sản phẩm bôi trơn không chứa dầu hoặc hormone estrogen dưới dạng kem, gel để giữ cho âm đạo ẩm mượt hơn.

vung-kin-sung-dau
Cô bé khô khốc tiền mãn kinh có thể gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sức khỏe của phụ nữ.

7. Giảm ham muốn

Khi tiến vào giai đoạn tiền mãn kinh, sự giảm sút của hormone estrogen và progesterone có thể gây ra sự thay đổi trong cơ thể phụ nữ. Điều này có thể làm giảm sự kích thích và mất cảm giác trong quá trình giao hợp. Ngoài ra, triệu chứng này cũng có thể đi kèm với những cơn đau khi giao hợp (dyspareunia) do sự thay đổi của niêm mạc âm đạo và sự mất đi tính đàn hồi của cơ tử cung. Tất cả những điều này đều tạo ra sự không thoải mái, từ đó làm giảm ham muốn tình dục.

8. Rối loạn kinh nguyệt

Triệu chứng này sẽ xuất hiện từ vài năm trước khi chính thức bước vào giai đoạn mãn kinh. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh là chu kỳ kinh không đều. Kinh có thể đến quá sớm hoặc quá trễ, cũng có thể kéo dài hoặc ngắn hơn so với chu kỳ thông thường. Ngoài ra, nó còn đi kèm với tình trạng đau bụng dưới, buồn nôn, sưng đau ngực

chu-ky-kinh-nguyet-that-thuong
Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh thường do sự biến đổi hormone trong cơ thể.

9. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Theo các nghiên cứu, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh có khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu cao. Cùng với việc làm khô âm đạo, nồng độ estrogen thấp còn làm cho lớp niêm mạc trở nên mỏng và mất đàn hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, từ đó dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể mang đến cảm giác đau buốt, mùi khó chịu hoặc bị kích thích khi đi tiểu. Khi này, chị em nên chú trọng nhiều hơn vào việc vệ sinh vùng kín. Sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ như Dạ Hương 2 lần mỗi ngày, thay nội y thường xuyên, duy trì lối sống lành mạnh.

10. Tiểu tiện mất tự chủ

Triệu chứng tiền mãn kinh này đặc trưng bởi tình trạng không kiểm soát của cơ bàng quang. Khi này, những cơn buồn tiểu sẽ đến bất chợt, khiến chị em không kịp phản ứng. Chỉ những hành động nhỏ như cười, đi lại hay những vận động mạnh hơn khi tập thể dục, cũng khiến phụ nữ tiền mãn kinh “tiểu són”. Để phòng ngừa triệu chứng này xảy đến, chị em có thể tham gia các lớp tập yoga hoặc stretching ngày từ bây giờ.

tieu-tien-mat-kiem-soat
Nồng độ estrogen giảm làm mỏng thành niệu đạo, gây ra tình trạng tiểu tiện không tự chủ.

11. Đau đầu

Đau đầu là triệu chứng tiền mãn kinh rất thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn này. Những cơn đau này có thể xuất hiện ở mảng thái dương, nửa đầu, đi kèm với các tình trạng khác như buồn nôn, căng thẳng tinh thần. Những biện pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, gặp gỡ bạn bè và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp ích cho bạn. Nếu triệu chứng này nghiêm trọng hơn, hãy tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ.

12. Chóng mặt

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều biến đổi, bao gồm cả thay đổi hormone. Những thay đổi này có thể tác động đến hệ thống thần kinh và gây ra sự mất cân bằng trong cơ thể. Để quản lý triệu chứng chóng mặt, các nàng nên duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm việc ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và giữ tinh thần thoải mái. Nếu triệu chứng tiền mãn kinh này trở nên nghiêm trọng hơn, tốt nhất bạn nên thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.

13. Mệt mỏi

Mệt mỏi cũng là một triệu chứng phổ biến trong giai đoạn tiền mãn kinh. Nó sẽ xuất hiện thường xuyên và xuyên suốt cho tới khi đợt kinh nguyệt cuối cùng kết thúc. Mệt mỏi tiền mãn kinh không giống như sự mệt mỏi thông thường, ngược lại rất khó chịu. Phụ nữ tiền mãn kinh có thể cảm thấy mệt đến mức không thể thức dậy vào buổi sáng, dù đã ngủ đủ giấc. Họ cũng có thể trải qua cảm giác mất năng lượng và mệt mỏi kéo dài suốt cả ngày, gây giảm sút hiệu suất làm việc và hoạt động hàng ngày.

met-moi-suy-nhuoc-co-the
Kể cả khi ngủ đủ giấc, chị em phụ nữ vẫn có cảm giác uể oải, mệt mỏi.

14. Mất trí nhớ

Mất trí nhớ là triệu chứng tiền mãn kinh ít khi được nhắc đến. Thế nhưng, những ảnh hưởng của nó đến cuộc sống lại rất nghiêm trọng. Triệu chứng này thường xuất hiện từ vài năm trước khi chính thức mãn kinh, thậm chí có thể kéo dài tới khi kết thúc giai đoạn này. Sự giảm sút hormone estrogen, một trong những hormone quan trọng trong quá trình hoạt động của não bộ, có thể là nguyên nhân chính. Phụ nữ mất trí nhớ tiền mãn kinh rất hay quên, gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới, thậm chí là những điều vừa mới xảy ra.

15. Tâm trạng thất thường

Sự thay đổi của nồng độ hormone trong thời kỳ mãn kinh có thể tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh như GABA và Serotonin. Khi các chất dẫn truyền thần kinh suy yếu do suy giảm hormone, tâm trạng của phụ nữ sẽ trở nên thất thường hơn. Các cảm xúc như tức giận, buồn bã, khóc lóc, lo âu… sẽ liên tục thay đổi, thậm chí một số nàng còn bị trầm cảm. Để quản lý triệu chứng này, chị em nên thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga hoặc tập thể dục mỗi ngày.

16. Rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ thường xuất hiện từ vài năm trước khi phụ nữ chính thức bước vào giai đoạn mãn kinh. Các triệu chứng của tình trạng này có thể bao gồm cảm giác lo lắng, căng thẳng cao, thậm chí là “ảo tưởng” bị người khác tấn công. Trong tình huống này, phụ nữ có thể trải qua một số triệu chứng vật lý như đau ngực, đau tim, cảm giác khó thở. Khi này, bạn nên nói chuyện và nhờ sự trợ giúp của gia đình và bạn bè.

17. Lo lắng

Sự suy giảm estrogen trong cơ thể ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin. Điều này có thể khiến chị em phụ nữ quẩn quanh trong nhiều nỗi lo. Từ lo cho sức khỏe, sự thay đổi về cơ thể đến tình cảm, các mối quan hệ trong gia đình. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên nhờ tới sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và chuyên gia tâm lý.

lo-lang-co-the-thay-doi
Phụ nữ thường trải qua rất nhiều nỗi lo vào thời kỳ tiền mãn kinh.

18. Trầm cảm

Trong giai đoạn này, sự thay đổi của hormone và cơ thể có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng của người phụ nữ. Sự biến đổi hormon estrogen và progesterone có thể gây ra những biểu hiện trầm cảm như thay đổi cảm xúc, lo âu, mất ngủ và khó chịu. Những triệu chứng này không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội và tình cảm gia đình. Các biện pháp điều trị có thể bao gồm tư vấn tâm lý, liệu pháp thay thế hormone và duy trì lối sống lành mạnh.

19. Khó tập trung

Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh thường trải qua cảm giác khó tập trung. Triệu chứng này có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, thậm chí là trong cuộc sống hàng ngày. Để có thể vượt qua tình trạng này, chị em có thể áp dụng các phương pháp như tạo môi trường làm việc yên tĩnh, thiền hoặc tập các bài yoga.

20. Đầy hơi

Theo các nghiên cứu, sự tăng cường tích nước và giảm khả năng loại bỏ nước trong cơ thể, đặc biệt là vùng bụng và chân là nguyên nhân chính tạo nên cảm giác này. Triệu chứng đầy hơi tiền mãn kinh có thể mang đến cảm giác không thoải mái và làm ảnh hưởng đến tâm trạng. Đôi khi, nó đi kèm với tình trạng tăng cân và sưng vùng ngực. Để quản lý triệu chứng này, chị em có thể thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn.

21. Tăng cân

Khi mức estrogen giảm đi trong thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể thường rất dễ tích tụ mỡ ở vùng bụng, hông và đùi. Sự giảm thiểu của hormone này cũng ảnh hưởng đến chuyển đổi thức ăn thành năng lượng và tốc độ trao đổi chất, dẫn đến việc dễ dàng tích tụ mỡ và khó giảm cân. Để cải thiện tình trạng này, chị em nên duy trì một lối sống sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân đối và tập thể dục đều đặn mỗi ngày.

tang-can-mat-kiem-soat
Tăng cân tiền mãn kinh có thể là nguyên nhân của nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường.

22. Miệng có vị kim loại

Phụ nữ tiền mãn kinh có thể trải qua cảm giác như đang ngậm kim loại trong miệng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, sự suy giảm của estrogen và progesterone đã tác động đến hệ thống thần kinh, gây ra tình trạng khó chịu này. Một số triệu chứng khác có thể đi kèm như nóng, đau, rát ở lưỡi, môi hoặc lợi. Để giảm thiểu tình trạng này, chị em nên tránh các loại thức ăn có vị cay, chua hoặc nặng mùi, đồng thời uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây, rau xanh.

23. Rối loạn tiêu hóa

Khi nồng độ estrogen hạ xuống, nồng độ cortisol tăng lên, quá trình tiêu hóa sẽ dần chậm lại. Hệ quả là chị em sẽ liên tục cảm thấy các triệu chứng như trào ngược dạ dày, đau vùng bụng dưới, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón trong giai đoạn tiền mãn kinh. Nếu gặp phải tình trạng này, chị em nên “reset” chế độ ăn uống của mình, tránh các loại thức ăn có nguy cơ kích thích tiêu hóa.

24. Ngứa ngáy

Quá trình sản xuất collagen sẽ chậm lại trong quá trình tiền mãn kinh khiến da trở nên khô hơn, mỏng hơn và rất dễ bị kích ứng. Triệu chứng này có thể xuất hiện toàn thân, đặc biệt là âm đạo hoặc xung quanh âm đạo. Để giảm bớt triệu chứng này, phụ nữ có thể sử dụng kem dưỡng da, kem làm dịu âm đạo hoặc xà phòng dịu nhẹ để dưỡng ẩm cho da nhằm giảm kích ứng.

25. Dị ứng

Bước vào giai đoạn tiền mãn mãn kinh, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ suy yếu đi một phần. Chính vì thế, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm với các tác nhân gây dị ứng. Phụ nữ có thể trải qua các triệu chứng dị ứng như da sưng đỏ, ngứa ngáy, nóng ngứa da mặt. Song song đó có thể xuất hiện thêm triệu chứng dị ứng tiêu hóa như buồn nôn, đau bên trong bụng và tiêu chảy. Thăm khám định kỳ là cách tốt nhất để các nàng quản lý tốt tình trạng này.

mien-dich-yeu-de-bi-benh
Vào giai đoạn tiền mãn kinh, hệ miễn dịch của chị em thường bị suy giảm nên rất dễ mắc bệnh.

26. Rối loạn nhịp tim

Sự thay đổi hormone trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch và gây ra các rối loạn nhịp tim. Tình trạng này đặc trưng bởi các triệu chứng như nhịp tim nhanh (tachycardia), nhịp tim không đều (arrhythmia) hoặc cảm giác như trái tim bị nhảy một nhịp (palpitations). Cách tốt nhất để phòng ngừa hoặc cải thiện tình trạng này chính là thực hiện lối sống lành mạnh. Trong đó, nên hạn chế tiêu thụ các chất kích thích như caffeine, rượu bia và thuốc lá.

27. Cứng khớp

Sự suy giảm hormone có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của xương và giảm độ linh hoạt của khớp. Chỉ những cử động nhẹ cũng có thể gây đau, đặc biệt là vào buổi sáng, khi vừa ngủ dậy. Để giảm bớt triệu chứng cứng khớp, bạn nên tập luyện thể dục đều đặn để duy trì khả năng linh hoạt của cơ thể.

28. Đau khớp

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, cơ thể thường xuất hiện những biểu hiện khó chịu, trong đó có đau khớp. Theo các chuyên gia, tình trạng này bắt nguồn từ việc giảm thiểu sản xuất hormone estrogen, gây suy yếu và mất đàn hồi trong các khớp, tạo cảm giác đau và sưng. Để giảm đau khớp trong giai đoạn tiền mãn kinh, chị em nên tập thể dục đều đặn, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp.

29. Loãng xương

Tình trạng loãng xương tiền mãn kinh là một vấn đề sức khỏe quan trọng mà phụ nữ trong độ tuổi này cần quan tâm. Theo các nghiên cứu, sự giảm dần của hormone estrogen có ảnh hưởng đến quá trình tái cấu trúc xương. Khi mật độ xương giảm dần, nguy cơ gãy xương, đặc biệt là ở vùng bẹn, hông và tay sẽ tăng cao. Để ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng này, chị em nên tập thể dục đều đặn, tăng cường bổ sung canxi và vitamin D vào chế độ ăn uống.

dau-nhuc-xuong-khop
Cùng với quá trình lão hóa tự nhiên, phái nữ tiền mãn kinh có thể gặp nhiều vấn đề về xương khớp.

30. Căng cơ

Một số chị em có thể cảm thấy căng cơ và đau nhức ở phần cổ, vai, ngực, bụng dưới, lưng hoặc xương chậu. Đây là triệu chứng tiền mãn kinh do sự giảm dần hormone estrogen và progesterone gây ảnh hưởng đến cơ bắp và các mô liên kết. Để quản lý căng cơ tiền mãn kinh, nàng có thể thử các biện pháp như tập thể dục nhẹ, yoga, thiền và ưu tiên các thực phẩm tốt cho xương khớp trong khẩu phần ăn.

31. Cảm giác râm ran ở tay chân

Cảm giác râm ran ở tay chân đặc trưng bởi sự châm chích, tê nhẹ. Triệu chứng tiền mãn kinh này có thể chớp nhoáng vài giây hoặc kéo dài vài phút. Mặc dù không nguy hiểm cho sức khỏe nhưng nó có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên điều chỉnh và duy trì lối sống lành mạnh, đặc biệt là thói quen tập luyện thể dục hàng ngày.

32. Rụng tóc

Sự thay đổi của các hormone trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe tóc và da đầu. Đó cũng là lý do tại sao thời điểm này, mái tóc của các nàng dần trở nên thưa thớt hoặc đổi màu bạc nhanh tới vậy. Để cải thiện triệu chứng này, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và duy trì thói quen chăm sóc tóc là rất quan trọng. Hãy ưu tiên sử dụng các loại dầu gội từ thiên nhiên, dùng sản phẩm dưỡng kích thích mọc tóc, ăn uống lành mạnh hơn.

rung-toc-tien-man-kinh
Rụng tóc tiền mãn kinh có thể làm giảm tự tin và gây ảnh hưởng đến tâm trạng của phụ nữ.

33. Móng giòn và dễ gãy

Có thể nàng chưa biết, khả năng sản xuất collagen tự nhiên của cơ thể đã giảm dần khi bước sang tuổi 30. Cùng với sự suy giảm hormone do tiền mãn kinh, cấu trúc móng sẽ trở nên mỏng và yếu hơn. Đó là tại sao móng rất giòn và dễ gãy khi nàng bước qua giai đoạn này. Mặc dù vậy, nàng vẫn có thể dễ dàng cải thiện bằng cách tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt là canxi, collagen và biotin. Không chỉ vậy, việc sử dụng kem dưỡng móng, hạn chế tiếp xúc với hóa chất làm hỏng mỏng cũng rất quan trọng đấy.

34. Thay đổi mùi cơ thể

Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, một số nàng có thể trải qua tình trạng thay đổi mùi cơ thể. Mặc dù không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng triệu chứng này có thể khiến chị em giảm tự tin về cơ thể mình. Để có thể cải thiện hiệu quả, nàng nên vệ sinh cá nhân đều đặn, bao gồm tắm rửa hàng ngày, sử dụng sản phẩm làm sạch và sáp ngăn mùi.

Nếu các phương pháp cải thiện bằng lối sống không hiệu quả, bạn nên thăm khám bác sĩ để được theo dõi. Một số triệu chứng có thể là tự nhiên, tuy nhiên một số khác lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Dựa trên kết quả thăm khám, các bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp cải thiện hoặc điều trị kịp thời.

Hy vọng những thông tin hữu ích về 34 triệu chứng tiền mãn kinh vừa rồi sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn này một cách thuận lợi hơn. Đừng quên theo dõi Dạ Hương mỗi ngày để cập nhật liên tục những phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản khoa học và hiệu quả nhé.

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận