Viêm nhiễm phụ khoa

Đặt thuốc phụ khoa xong có biểu hiện gì?

27 Tháng Chín, 2021
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Điều trị bệnh lý phụ khoa bằng thuốc đặt âm đạo là phương pháp nhanh chóng, hiệu quả để chấm dứt tình trạng viêm nhiễm, nấm ngứa nơi vùng kín. Nhiều chị em tò mò răng biểu hiện sau khi đặt thuốc phụ khoa sẽ như thế nào? Hãy tìm hiểu cùng chúng tôi trong nội dung dưới đây.

Khi nào cần dùng thuốc đặt phụ khoa?

Thuốc đặt phụ khoa thường được bào chế dưới dạng viên trứng, viên nén, viên nhét chứa các thành phần có dược tính chống lại các tác nhân gây bệnh phụ khoa. Dưới đây là một số loại thuốc đặt âm đạo phổ biến: 

  • Thuốc đặt Lomexin: Thuốc Lomexin chứa fenticonazole nitrate có dạng viên nang mềm hình giọt nước. Thuốc chuyên trị bệnh nhiễm Nấm Candida âm đạo, âm hộ.
  • Thuốc đặt Neo-Tergynan là loại thuốc đặt chứa nhiều kháng sinh, chuyên trị các bệnh viêm âm đạo do các mầm bệnh nhạy cảm và viêm âm đạo không đặc hiệu. Thuốc chứa metronidazol, neomycin, nystatin được điều chế ở dạng viên thuốc cứng, cần làm ẩm trước khi đưa vào âm đạo.
  • Thuốc đặt phụ khoa Fluomizin có tác dụng điều trị nhiễm nấm âm đạo, nhiễm khuẩn âm đạo và  bệnh do Trichomonas.  Thuốc cũng được sử dụng để đạt được sự vô khuẩn trước các phẫu thuật về phụ khoa và trước khi sinh.

Các bệnh lý phụ khoa liên quan đến âm đạo thường được chỉ định sử dụng thuốc dạng đặt do thuốc có thể phát huy tác dụng tại chỗ, điều trị đúng điểm đích giống như bôi kem trị bệnh ngoài da. Do đặc điểm sử dụng thuốc tại chỗ mà khi dùng thuốc đặt đường âm đạo, bạn có thể thấy một số biểu hiện khác với khi dùng thuốc uống. Sau đây là một số trường hợp có thể xảy ra:

Biểu hiện sau khi đặt thuốc phụ khoa là gì?

Âm đạo tiết dịch nhiều, dịch tiết có màu sắc lạ

Trước tiên, cần khẳng định hiện tượng tiết dịch âm đạo sau khi đặt thuốc phụ khoa là hoàn toàn bình thường. Đây là cách cơ thể phản ứng lại với thuốc, giúp loại bỏ vi khuẩn, dịch viêm ra khỏi âm đạo. Thuốc đặt phụ khoa cũng chứa các thành phần tá dược nên khi đặt tại chỗ ở âm đạo là điều trị, chúng sẽ tan ra do chất lỏng và nhiệt độ cơ thể. Các thành phần dược tính sẽ ngấm vào máu và phát huy tác dụng, phần bã thuốc sẽ theo dịch nhờn tiết ra ngoài. Vì thế, tùy vào loại thuốc, dịch âm đạo lúc này tiết ra có thể có màu trắng đục, màu vàng hoặc hồng và có mùi thuốc đặc trưng.

Chính vì vậy, sau khi đặt thuốc và gặp phải hiện tượng này, chị em cũng không cần quá lo lắng. Trong tình huống này, chị em cần thực hiện một số lưu ý sau đây: Không vì thấy tình trạng dịch tiết nhiều và có màu khác lạ mà ngưng sử dụng thuốc khi chưa trao đổi với bác sĩ điều trị.

Khi dịch tiết quá nhiều làm ướt và bẩn quần lót của bạn, cần thay mới thường xuyên, tránh để tình trạng ẩm ướt khiến nấm phát triển mạnh, gây ngứa ngáy vùng kín. Bạn có thể dùng băng vệ sinh hàng ngày để thấm hút bớt dịch và thay thường xuyên. Thực hiện vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày và tuân thủ liều lượng sử dụng theo bác sĩ chỉ định.

Âm đạo ra máu sau khi đặt thuốc phụ khoa

Hiện tượng này cũng dễ gặp phải đối với những chị em mới sử dụng thuốc, chưa quen cách đặt hoặc sử dụng dụng cụ đặt. Đối với viên thuốc đặt dạng trứng hoặc nhét, chúng là các viên nang mềm và nhanh tan trong môi trường âm đạo. Chị em có thể trực tiếp dùng tay hoặc dụng cụ để đưa thuốc vào đúng vị trí.

Tuy nhiên với những viên thuốc dạng viên nén, thể cứng, nếu bạn không làm ẩm chúng với nước trước khi đưa vào âm đạo, rất có thể những viên thuốc này sẽ cọ sát và gây tổn thương niêm mạc và chảy máu âm đạo. Tương tự với việc đặt thuốc bằng dụng cụ, nếu bạn không biết cách sử dụng và chọc thụt dụng cụ quá sâu cũng dễ gây hiện tượng chảy máu.

Ngoài ra, chảy máu vùng kín cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc. Một số loại thuốc khi điều trị có thể khiến bạn bị rối loạn nội tiết, kinh  nguyệt đến sớm hoặc bị rong kinh. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn hãy thông báo với bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể tiếp theo.

Bị đau bụng dưới khi đặt thuốc phụ khoa

Biểu hiện đau bụng dưới cũng khá phổ biến với chị em đang điều trị bằng thuốc đặt phụ khoa. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do: Bạn bị đau bụng dưới xuất phát từ chính căn bệnh viêm nhiễm mà bạn đang gặp phải, những bệnh lý như nấm, viêm âm đạo do vi khuẩn thì thường ít gây đau bụng dưới.

Những bệnh lý khác như viêm phần phụ, bệnh lý cổ tử cung, u nang buồng trứng… thường biểu hiện bằng những cơn đau bụng dưới và đau thắt lưng, có thể rất dữ dội. Nếu bạn thấy vùng bụng dưới râm ran, hơi âm ỉ đau hoặc nóng rát vùng kín thì có thể theo dõi thêm vài ngày để thuốc phát huy tác dụng. Nếu như biểu hiện đau dữ dội hoặc liên tục thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để kiểm tra tình trạng bệnh.

Thuốc đặt bị trôi ra ngoài

Đối với những chị em chưa quen việc dùng loại thuốc này, có thể đặt thuốc không đúng cách khiến thuốc bị trôi ra ngoài âm đạo. Để khắc phục tình trạng này, chị em lưu ý: Khi đặt thuốc, chị em không nên vận động, di chuyển ngay mà nên nằm nghỉ 10-15 thuốc cho thuốc nằm đúng vị trí và không bị trào ngược ra ngoài.

Nếu đặt thuốc vào ban ngày, chị em có thể dùng băng vệ sinh hàng ngày để giữ thuốc không bị rò rỉ ra ngoài. Hơn nữa, với thuốc viên nén chị em nên làm ướt nó trước khi đưa vào âm đạo, khiến thuốc đi vào bên trong dễ dàng hơn.

Đọc thêm: Dùng thuốc đặt phụ khoa thì bao lâu được đi tiểu?

Các bước đặt thuốc phụ khoa đúng cách và an toàn

  • Bước 1: Vê sinh sạch sẽ vùng kín bằng nước sạch. Khi vệ sinh, bạn có thể kết hợp sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ loại dịu nhẹ, không gây kích ứng. Quá trình rửa vùng kín nên thao tác nhẹ nhàng, không thụt rửa âm đạo quá sâu.
  • Bước 2: Rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn trước khi dùng thuốc. Nếu dùng dụng cụ đặt thuốc cần vệ sinh dụng cụ sạch sẽ, sau đó trụng với nước sôi 100 độ C.
  • Bước 3: Chuẩn bị thuốc. Như đã lưu ý ở trên đối với thuốc viên nén, cần nhúng ẩm thuốc với nước sạch trước khi đưa vào âm đạo. Thuốc trứng hoặc thuốc nhét thì không cần phải làm ẩm. Lưu ý, chỉ nhúng thuốc 20-30 giây, tránh để thuốc bị tan ra trước khi đưa vào âm đạo.
  • Bước 3: Bạn nên nằm trên mặt phẳng, dang hai chân gập gối tạo thành chữ M để thuận tiện cho việc đặt thuốc. Ngoài tư thế nằm để đặt thuốc vào âm đạo, bạn cũng có thể ngồi xổm hoặc đứng ở tư thế một chân trụ, một chân gác lên ghế thấp sẽ giúp việc đút thuốc vào âm đạo được dễ dàng hơn.
  • Bước 4: Một tay bạn mở âm hộ, dùng tay còn lại hoặc cầm dụng cụ khéo léo đưa thuốc vào âm đạo với độ sâu 2-3 cm.
  • Bước 5: Bạn nên tiếp tục tư thế nằm trong vòng 15 phút để thuốc được hấp thu tốt. Không ngồi dậy ngay sau khi đặt thuốc do dễ trôi thuốc ra ngoài.

Những lưu ý trong quá trình điều trị với thuốc đặt âm đạo

Các loại thuốc đặt âm đạo đều cần được bác sĩ kê đơn sử dụng, bạn không tự phán đoán tình trạng bệnh và đi mua thuốc về dùng. Thuốc đặt âm đạo để trị nấm, viêm âm đạo thường có thành phần kháng sinh, liệu trình thông thường từ 7-10 ngày, không nên dùng thuốc kéo dài quá 14 ngày.

Không tự ý ngưng thuốc hoặc đổi thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Hành động này có thể khiến bệnh không khỏi hẳn mà tái đi tái lại, khó tìm được thuốc phù hợp. Khi xuất hiện các dấu hiệu dị ứng thuốc hoặc gặp phải các tác dụng phụ khác, cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ phụ khoa để xử lý.

Khi bị quên một liều thuốc đặt, bạn không nên dùng gấp đôi thuốc vào lần tiếp theo để tránh gây kích ứng và gặp tác dụng phụ với thuốc. Thời gian tốt nhất để đặt thuốc phụ khoa là vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Bạn cũng nên lựa chọn điều trị bằng thuốc phụ khoa vào thời điểm cách xa kỳ kinh nguyệt để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Kiêng quan hệ tình dục khi vẫn còn đang dùng thuốc. Khi đã kết thúc liệu trình, bạn cần tái khám để kiểm tra tình trạng bệnh của bạn đã chấm dứt hoàn toàn hay chưa. Những chị em đang mang thai hoặc cho con bú cần cân nhắc và trao đổi kỹ với bác sĩ về việc điều trị bằng thuốc đặt phụ khoa, cần lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất, không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và em bé.

Đọc chi tiết: Bà bầu dùng thuốc đặt phụ khoa như thế nào?

Trên đây là những lưu ý quan trọng, bạn nên thực hiện đầy đủ khi đang điều trị viêm nhiễm âm đạo hoặc các bệnh phụ khoa khác bằng thuốc đặt. Có hai việc mà phụ nữ nên chủ động thực hiện để vùng kín và cơ quan sinh sản luôn khỏe mạnh đó là: Giữ vùng kín thật sạch sẽ, khô thoáng mỗi ngày để tránh xa các mầm bệnh làm suy yếu sức khỏe phụ khoa và khám phụ khoa định kỳ 2 lần/năm hoặc nhiều hơn.

Những hành động này là cách tốt nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa. Việc điều trị sớm và dứt điểm bệnh phụ khoa giúp giảm nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe nói chung. Chúc chị em luôn khỏe mạnh, hạnh phúc!

Theo dỗi Dạ Hương trên Facebook: https://www.facebook.com/dahuonghoalinh

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận