Các bệnh về phụ khoa thường gặp ở phụ nữ như viêm nấm âm đạo, ra huyết trắng, viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm phần phụ… Đây là những bệnh có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh sản. Do đó cần có biện pháp phòng tránh và điều trị hiệu quả nhất.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phụ khoa
Để có phương pháp chăm sóc phù hợp và điều trị đúng cách, chị em cần phát hiện các bệnh về phụ khoa thường gặp qua một số dấu hiệu nhận biết sau:
- Kinh nguyệt không đều: Đây là dấu hiệu nhận biết đầu tiên khi mắc bệnh phụ khoa. Chị em sẽ thấy kinh nguyệt không đều, rối loạn hoặc màu máu bất thường.
- Khí hư bất thường: Khi mắc các bệnh phụ khoa, khí hư tiết nhiều hơn mức thông thường. Ngoài ra, ở mức độ nặng hơn, khí hư thường có mùi hôi, màu xanh-vàng, chất đặc vón cục.
- Vùng kín có mùi hôi: Mùi hôi vùng kín khi viêm nhiễm nấm hoặc vi khuẩn thường khắm. Hoặc nồng như mùi kinh nguyệt ngấm trong băng vệ sinh.
- Ngứa vùng kín: Đây là dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa phổ biến. Người mắc bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu, ngứa ngáy liên tục và kéo dài.
- Đau và chảy máu khi giao hợp: Khi quan hệ tình dục, nhiều trường hợp nữ giới bị chảy máu âm đạo. Một dấu hiệu bất thường cảnh báo các bệnh về phụ khoa thường gặp. Cần đi khám ngay để có phương án chăm sóc và điều trị.
- Một số dấu hiệu khác như: triệu chứng đau lưng, đau bụng dưới; cơ thể mệt mỏi, suy nhược,…
TOP 5 bệnh phụ khoa phổ biến ở nữ giới
Theo nghiên cứu, hiện nay có rất nhiều bệnh phụ khoa phổ biến ở nữ giới như: nấm âm dạo do vi khuẩn và nấm, ra huyết trắng bất thường, viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung… Cùng tìm hiểu kĩ hơn về các bệnh phụ khoa dưới đây.
Viêm âm đạo
Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc viêm âm đạo. Bệnh khiến chị em mất tự tin và khó chịu trong sinh hoạt, giao tiếp và quan hệ vợ chồng. Nếu để bệnh kéo dài, hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Điển hình có thể gây ảnh hưởng tới khả năng làm mẹ.
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Nhiễm khuẩn âm đạo là nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho vùng kín của người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Có khoảng 50-75% viêm âm đạo do vi khuẩn không có triệu chứng rõ ràng. Chẩn đoán nhiễm khuẩn âm đạo dựa vào màu sắc và mùi của khí hư. Tình trạng này kéo dài gây mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo, làm thay đổi độ pH làm giảm các vi khuẩn có lợi và tăng vi khuẩn gây bệnh.
Bệnh có nguyên nhân sâu xa từ việc sử dụng thuốc kháng sinh, thụt rửa âm đạo. Bên cạnh đó, việc sử dụng chất tiệt trùng hoặc quan hệ tình dục mạnh bạo, sử dụng đồ chơi nhựa… Từ đó dẫn đến viêm nhiễm vùng kín, ngứa ngáy khó chịu và tiết dịch nhiều hơn mức bình thường.
Viêm âm đạo do nấm
Nhiễm nấm âm đạo không được xem là bệnh lây lan qua đường tình dục. Nhiễm nấm âm đạo là tình trạng phát triển quá mức nấm Candida albicans. Sự phát triển quá mức này gây kích ứng, viêm, ngứa, tiết dịch và đau rát. Thực tế, có đến 75% phụ nữ đều bị nhiễm trùng nấm men ít nhất 1 lần trong đời.
Một số nghiên cứu cho thấy viêm âm đạo do nấm có liên quan tới việc quan hệ tình dục bằng miệng. Sự thay đổi hormone khi mang thai, cho con bú hoặc mãn kinh cũng tác động đến sự cân bằng trong âm đạo. Ngoài ra, thụt rửa và sử dụng thuốc xịt âm đạo cũng khiến môi trường này dễ nhiễm nấm.
Bệnh nhiễm nấm âm đạo có thể điều trị bằng thuốc. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống kèm thuốc đặt. Tuy nhiên hiệu quả trị nấm âm đạo nhanh hay chậm, có tái phát hay không phụ thuộc vào quá trình điều trị và loại thuốc.
Viêm cổ tử cung
Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm nhiễm ở ngoài cổ tử cung. Bệnh thường gặp ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây cũng là căn bệnh phụ khoa có tỷ lệ người mắc cao nhất hiện nay. Viêm cổ tử cung có các triệu chứng như chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt, đau khi giao hợp, tiết dịch âm đạo bất thường. Tuy nhiên, có những trường hợp không có bất kì dấu hiệu nào.
Nguyên nhân khiến phụ nữ dễ mắc viêm cổ tử cung do nhiễm trùng hoặc lây truyền qua đường tình dục. Bệnh lậu, bệnh Chlamydia, mụn rộp sinh dục, vi khuẩn Mycoplasma và ureaplasma… cũng gây ra viêm cổ tử cung. Với những chị em mắc viêm cổ tử cung nhưng âm tính với mọi loại nhiễm trùng, nguyên nhân có thể là:
- Dị ứng với hóa chất trong dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc cao su latex trong bao cao su.
- Kích ứng hoặc chấn thương từ băng vệ sinh tampon, viên đặt âm đạo. Hoặc từ các dụng cụ tránh thai như màng ngăn âm đạo.
- Mất cân bằng hóc môn; có estrogen tương đối thấp hoặc progesterone cao.
- Ung thư hoặc điều trị ung thư có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể dẫn đến viêm cổ tử cung.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng tổn thương lành tính ở cổ tử cung. Bệnh do các tế bào tuyến nằm trong cổ tử cung phát triển, xâm lấn mặt ngoài cổ tử cung. Bệnh thường không có triệu chứng cụ thể, chỉ phát hiện qua thăm khám phụ khoa định kỳ. Một số phụ nữ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung bẩm sinh. Số khác mắc bệnh do dùng thuốc tránh thai. Bệnh này không khó chữa nhưng không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn với các phương pháp thông thường như đặt thuốc, uống thuốc…
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có nguy hiểm không?
Bệnh không nguy hiểm, như đã thông tin ở phần trước, viêm lộ tuyến cổ tử cung là tổn thương lành tính. Tuy nhiên, bệnh có nguyên nhân khởi phát từ các bệnh về phụ khoa nguy hiểm. Do đó, viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây ra một số tác hại sau:
- Gây một số bệnh ở cơ quan sinh dục
- Gây vô sinh: Khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, dịch tiết âm đạo tăng gây cản trở tinh trùng đi vào gặp trứng. Không chỉ vậy, căn bệnh này còn làm thay đổi độ pH âm đạo khiến tinh trùng khó sống. Điều này ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và gây vô sinh ở phụ nữ
- Gây ung thư cổ tử cung: Tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung tái phát nhiều lần cũng có thể gây ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, nếu bị lộ tuyến kèm theo viêm cổ tử cung kéo dài thì sẽ làm cổ tử cung to và dài ra, gây hiểu lầm là tình trạng sa dạ con.
Cách điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung hiệu quả
Đốt laser điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung là phương pháp diệt các tuyến lấn ra mặt ngoài cổ tử cung. Đồng thời tạo điều kiện cho biểu mô lát phục hồi, giảm nguy cơ gây viêm nhiễm phụ khoa sau này.
Phương pháp áp lạnh giúp điều trị viêm lộ tuyến hiệu quả. Bác sĩ sẽ sử dụng khí nitơ ở nhiệt độ thấp để đông cứng và tiêu diệt các tế bào gây viêm nhiễm cổ tử cung. Quá trình chỉ diễn ra trong khoảng 1 – 2 phút, áp lạnh 30 giây rồi rút ống kim loại ra ngoài để bảo vệ các mô xung quanh cổ tử cung. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém.
Ra huyết trắng
Huyết trắng sinh lý là dịch tiết âm đạo bình thường. Khi huyết trắng có tính chất bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra, lúc này y học gọi là khí hư.
Huyết trắng sinh lý
“Khi sức khỏe ở trạng thái bình thường, huyết tương thấm qua các mao mạch nhỏ li ti, qua tổ chức hạch ở thành âm đạo cùng với các chất nhầy do các tuyến ở môi lớn – môi bé, tiền đình, tử cung, niệu đạo, bàng quang… tiết ra. Huyết tương này trộn lẫn với tế bào biểu mô bong ra ở tử cung và âm đạo. Với một ít bạch huyết, tế bào tự do, kết quả tạo thành một chất nhầy có màu trắng sữa, giống như lòng trắng trứng gà, có mùi hơi tanh hoặc không mùi. Những yếu tố trên là quá trình biểu hiện của huyết trắng sinh lý” – Theo bác sĩ Lê Nhất Nguyên – Bác sĩ Chuyên khoa sản – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bình thường, cứ 24 giờ, huyết trắng tiết ra khoảng 1 – 4 ml. Khi chịu các tác nhân tác động tiêu cực từ cơ quan sinh dục nữ, huyết trắng có thể thay đổi về số lượng, màu sắc, mùi hôi.
Huyết trắng bệnh lý
Huyết trắng bệnh lý thường xuất hiện bất thường. Chúng thường có màu xanh, vàng, nâu hoặc đen. Ở một số trường hợp khác, huyết trắng còn có màu như máu cá. Đây là dấu hiệu cảnh bảo các bệnh về phụ khoa thường gặp mà chị em cần lưu ý.
- Khí hư ra nhiều, đặc, lợn cợn bột trắng kèm theo cảm giác ngứa rát dữ dội (ngứa rát hơn khi quan hệ). Đây là biểu hiện của bệnh viêm âm đạo do nấm Candida Albican. Bệnh này có thể lây qua đường tình dục nhưng thường chỉ biểu hiện ở phụ nữ.
- Khí hư tiết nhiều trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, khí hư này còn có màu sữa đục hoặc màu xanh hoặc vàng. Tính chất dính bệt thành từng mảng, có mùi hôi… đau nhẹ khi giao hợp. Thì đây là huyết trắng biểu hiện cho viêm lộ tuyến cổ tử cung.
- Huyết trắng ra nhiều và có lẫn chút máu đi kèm với cảm giác đau bụng dưới râm ran kéo dài. Biểu hiện này được chẩn đoán thông thường liên quan tới viêm phần phụ nặng hoặc ung thư tử cung.
Do đó, các chị em cần quan sát thường xuyên hơn những thay đổi ở vùng kín. Khi có dấu hiệu bất thường, ngứa rất, đau… cần thăm khám sớm. Điều này giúp điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu và hiệu quả khỏi bệnh cao hơn.