Viêm nhiễm phụ khoa

Bị viêm lộ tuyến trước khi mang thai cần lưu ý gì?

23 Tháng Tư, 2021
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Bạn từng bị viêm lộ tuyến trước đây, dù tình trạng này đã được chữa khỏi hay không thì cũng làm ảnh hưởng ít nhiều tới kế hoạch sinh em bé của bạn. Vậy, bị viêm lộ tuyến trước khi mang thai cần lưu ý gì, xử lý ra sao? Mời các bạn cùng theo dõi giải đáp chi tiết trong bài viết sau.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?

Viêm lộ tuyến (hay viêm lộ tuyến cổ tử cung) là hiện tượng tế bào tuyến bên trong ống tử cung xâm lấn ra bề mặt ngoài cổ tử cung và bị viêm, sưng đỏ, dễ chảy máu.

Viêm lộ tuyến được chia làm 3 cấp độ như sau:

Viêm lộ tuyến CTC độ 1: Diện tích vùng tổn thương tại CTC chiếm khoảng 1/3 bề mặt CTC. Ở cấp độ này, các biểu hiện không mấy rõ ràng nên nhiều người thường khó nhận ra rằng mình đã mắc bệnh. Người bệnh có thể thấy một vài dấu hiệu cụ thể như: huyết trắng ra nhiều mặc dù không phải thời điểm trước kì kinh nguyệt, khí hư có thể đổi màu sắc lạ (xanh, vàng đục) kèm theo mùi hôi tanh nặng.

Viêm lộ tuyến CTC độ 2: Lúc này, diện tích vùng tổn thương tại CTC phát triển rộng hơn, chiếm 1/3 -2/3 diện tích bề mặt CTC. Ngoài những triệu chứng như giai đoạn 1, người phụ nữ có thể thấy đau bụng dưới, tiểu rắt hoặc đi tiểu nhiều lần, đau khi giao hợp, thậm chí là thấy máu sau khi quan hệ tình dục.

Viêm lộ tuyến CTC độ 3: Vùng tổn thương lan rộng quá 2/3 diện tích bề mặt CTVC. Lúc này, phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn trong chuyện quan hệ vợ chồng, đau và ra máu khi giao hợp, việc điều trị cũng phức tạp hơn vì mức độ nghiêm trọng đặc biệt nên cần điều trị ngay.

Viêm lộ tuyến được chẩn đoán chủ yếu dựa vào xét nghiệm phết tế bào và khám tổng quát vùng chậu. Vì các triệu chứng của bệnh không rõ ràng, không phải lúc nào cũng xuất hiện nên rất khó để chẩn đoán, hoặc chẩn đoán muộn khi bệnh đã bước qua giai đoạn nặng, có thể có biến chứng. Bởi vậy, chị em nên chủ động kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ, ngay cả khi không thấy biểu hiện nào bất thường. Chẩn đoán sớm sẽ giúp cho việc điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn. 

Có thể bạn quan tâm: Làm sao để phân biệt viêm lộ tuyến và viêm cổ tử cung?

Những chị em nào có nguy cơ cao bị mắc bệnh này?

Có rất nhiều tác nhân có thể gây ra viêm lộ tuyến, chẳng hạn như nấm men âm đạo, trùng roi, lậu cầu…Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây viêm lộ tuyến vẫn chưa được tìm ra. Cho đến nay, người ta chỉ có thể xác định được những nhóm phụ nữ có nguy cơ cao bị mắc căn bệnh này, cụ thể là:

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

Phụ nữ ở độ tuổi này thường có nhiều biến động về hormone nội tiết. Khi nồng độ Estrogen tăng sẽ kích thích tế bào trụ tăng tiết chất nhầy trắng trong và dính, làm lộ tuyến phát triển ra bề mặt ngoài cổ tử cung, phá hỏng tế bào lát trên bề mặt cổ tử cung khiến cổ tử cung không được bảo vệ và dẫn đến viêm lộ tuyến. Đây chính là lí do vì sao các chị em khi mang thai hay những người thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai estrogen, đặt vòng tránh thai dễ mắc bệnh này.

Phụ nữ thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn

Quan hệ tình dục thô bạo, không sử dụng biện pháp bảo vệ hoặc quan hệ với nhiều bạn tình có thể khiến cho lớp biểu mô cổ tử cung bị tổn thương. Qua đó, các vi khuẩn lây qua đường tình dục có thể xâm nhập và gây ra viêm nhiễm.

Phụ nữ đã từng thực hiện các thủ thuật can thiệp vào âm đạo, tử cung, cổ tử cung

Những người đã từng phá thai nhiều lần cũng có thể bị viêm lộ tuyến, do lớp biểu mô cổ tử cung bị tổn thương khiến cho hại khuẩn có thể dễ dàng hoạt động và gây ra viêm nhiễm. Ngoài ra, đặt vòng tránh thai hoặc phẫu thuật điều trị phụ khoa cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Phụ nữ có một bệnh phụ khoa bất kỳ trước đó

Nếu chị em nào vốn đã từng bị bệnh phụ khoa đặc biệt là viêm âm đạo do nấm hay tạp khuẩn – ko điều trị triệt để, thì những tác nhân này có thể di chuyển ngược dòng tới các bộ phân sinh dục phía trên gây ra viêm nhiễm. Người bệnh có thể bị viêm lộ tuyến, viêm cổ tử cung, viêm ống dẫn trứng, thậm chí là viêm toàn bộ vùng chậu ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và khả năng sinh sản sau này.

Viêm lộ tuyến trước khi mang thai có thể gây ra ảnh hưởng gì?

Viêm lộ tuyến là bệnh phụ khoa tương đối phổ biến, bệnh cũng không khó để điều trị, nhưng nếu điều trị không triệt để thì có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề sinh con của phụ nữ.

Khi phụ nữ bị viêm lộ tuyến hay nhiều bệnh phụ khoa khác, khí hư thường tiết ra nhiều hơn nhằm thực hiện chức năng tự bảo vệ của nó để đẩy các tác nhân gây bệnh ra ngoài. Tuy nhiên, lúc này tính chất của khí hư và môi trường âm đạo thay đổi nên khiến cho tinh trùng gặp nhiều bất lợi khi muốn đi qua cổ tử cung để tiếp cận với trứng trưởng thành. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng thụ thai của các cặp vợ chồng.

Ngay cả với phụ nữ đã đậu thai thành công thì cũng có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác trong thai kỳ như: sảy thai, sinh non, con sinh thường có thể mắc các bệnh liên quan tới da liễu hay đường hô hấp.

Nếu bạn bị viêm lộ tuyến và đã điều trị trị bằng một thủ thuật ngoại khoa nào đó như đốt điện, laser, dao leep…thì điều này cũng có thể ảnh hưởng một phần nhỏ tới kế hoạch mang thai của bạn. Vì các phương pháp diệt tuyến ngoại khoa thực hiện không đúng cách có thể gây ra biến chứng sẹo sơ cứng, chít hẹp cổ tử cung nên người bệnh sẽ khó thụ thai hơn. Vì vậy, những ai mong muốn có con trong tương lai gần thì nên tham khảo kỹ lưỡng tư vấn của bác sĩ để chọn lựa phương pháp điều trị hiệu quả, giảm thiểu tối đa biến chứng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.

Bạn nên làm gì nếu biết mình bị viêm lộ tuyến?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung căn bản không khó chữa khỏi. Đặc biệt nếu được phát hiện sớm, tổn thương còn nhỏ thì bệnh nhân chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, các loại thuốc đặt là có thể hết bệnh và mang thai bình thường.

Xem chi tiết: Các loại thuốc điều trị viêm lộ tuyến

Tuy nhiên, nếu như viêm lộ tuyến đã chuyển sang giai đoạn 2 và 3 thì sẽ khó điều trị hơn. Sau khi loại bỏ viêm bằng điều trị nội khoa, bệnh nhân cần phải tiếp tục điều trị ngoại khoa để phá hủy các tế bào ống tuyến lộ ra ngoài. 

Các phương pháp diệt tuyến được áp dụng chủ yếu hiện nay thường là:

  • Đốt điện: phương pháp này sử dụng máy đốt điện cao tần đốt vào vùng lộ tuyến bị viêm để tiêu diệt tế bào viêm nhiễm, tạo điều kiện cho biểu mô lát phục hồi.
  • Laser: đây là phương pháp sử dụng năng lượng của tia laze bước sóng dài (10600nm) để tác động trực tiếp đến vùng lộ tuyến bị viêm, đốt cháy làm bay hơi các mô bất thường ở cổ tử cung giúp loại bỏ các tế bào bị tổn thương, để kích thích tế bào mới tái tạo.
  • Dao leep: ở phương pháp này, người ta dùng 1 vòng tròn điện với điện thế thấp đóng vai trò như một con dao phẫu thuật nhằm triệt tiêu vùng lộ tuyến bị viêm, cầm máu và kích thích tế bào mới tái tạo.
  • Áp lạnh: phương pháp này sử dụng nitơ lạnh bay hơi ở nhiệt độ cực thấp (-50 độ C), luồng hơi lạnh được dẫn truyền qua dụng cụ chuyên biệt tiếp cận thẳng với vùng bề mặt lộ tuyến bị viêm. Thời gian áp lạnh thường là 1- 2 phút chỉ có tác dụng tại vùng bị tổn thương. Đây là phương pháp điều trị viêm lộ tuyến hiện đại nhất và có nhiều ưu điểm, xem chi tiết trong bài viết này.

Như đã nói ở trên, nếu như bạn có kế hoạch mang thai gần mà đang bị viêm lộ tuyến, hãy cân nhắc các biện pháp điều trị này. Đốt điện hay laser CTC có thể gây ứ đọng máu kinh, để lại sẹo xơ cứng, lỗ tử cung chít hẹp và khó thụ thai. Sau khi đốt diệt tuyến, bệnh vẫn có thể tái phát. Chính vì vậy, bạn cần lắng nghe chi tiết tư vấn của bác sĩ để chọn được giải pháp điều trị phù hợp nhất, giúp khỏi bệnh và giữ được cơ hội mang thai bình thường.

Nếu chọn lựa phương pháp điều trị đốt điện, bạn cần chờ ít nhất là 6-8 tuần để vùng tổn thương hồi phục hoàn toàn và không được quan hệ tình dục. Tùy thuộc cơ địa của mỗi bệnh nhân, thời gian lành thương có thể sớm hoặc muộn hơn dự kiến. Trong và sau khoảng thời gian này, hãy tái khám và hỏi thăm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về kế hoạch và thời gian sinh con hợp lí để đảm bảo thai kỳ diễn ra thuận lợi.  

Nếu như bạn đã bị viêm lộ tuyến trước đó nhưng chỉ phát hiện trong thai kỳ thì việc điều trị cần cân nhắc lợi – hại đối với sức khỏe của thai nhi. Bạn không được tự ý dùng thuốc tại nhà khi chưa thăm khám, có kê đơn và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ. Các phương pháp diệt tuyến ngoại khoa như đốt điện, áp lạnh, laser hay dao leep cũng không được khuyến khích ở thời điểm này. Các phương pháp này có thể diệt tuyến nhanh nhưng lại làm cổ tử cung bị sẹo xơ cứng, giảm độ đàn hồi của vùng này, nên quá trình sinh nở sẽ gặp nhiều khó khăn, cổ tử cung có thể bị rách. Do đó, với các bà bầu, nếu tình trạng viêm không nghiêm trọng, bác sĩ thường khuyên mẹ bầu nên điều trị bảo tồn tại nhà và chỉ nên áp dụng các biện pháp điều trị ngoại khoa này sau khi sinh. Mẹ bầu có thể đẻ mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cho con hay các biến chứng nguy hiểm khác trong lúc sinh.

Một vài lưu ý khác bạn cần nắm được trong quá trình điều trị viêm lộ tuyến:

  • Chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ hằng ngày, tuyệt đối không thụt rửa âm đạo.
  • Giữ chế độ ăn uống nhẹ nhàng để tránh bị viêm nhiễm do kích thích, không sử dụng đồ ăn nhiều đường, đồ ăn cay nóng hay rượu, bia, thuốc lá.
  • Không quan hệ tình dục khi biết có bệnh và trong thời gian điều trị.
  • Tái khám đầy đủ và chủ động kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần.

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Dahuong.vn về vấn đề “viêm lộ tuyến trước khi mang thai”. Hi vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn, giúp bạn yên tâm hơn trước và trong quá trình điều trị. Nếu còn bất kì thắc mắc nào liên quan tới viêm lộ tuyến hay các bệnh phụ khoa khác, hãy để lại bình luận dưới chân bài viết để chúng tôi hỗ trợ bạn sớm nhất.

Fanpage Dạ Hương: https://www.facebook.com/dahuonghoalinh

guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Linh
Linh
2 năm trước

Quyầy thuốc có bán ko ạ?