Kinh Nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt và cách tính ngày rụng trứng

20 Tháng Mười, 2021
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Sự lặp lại của hiện tượng ra máu kinh mỗi tháng ở phụ nữ tạo nên chu kỳ kinh nguyệt. Một chu kỳ kinh bình thường sẽ diễn ra trong vòng 28 ngày với rất nhiều các sự kiện trong cơ thể. Để tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi trong cơ thể của bạn trong chu kỳ kinh, hãy theo dõi bài viết sau đây.

Kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt là sự bong ra của niêm mạc kèm theo chảy máu ở tử cung của phụ nữ. Lần đầu tiên xuất hiện kinh nguyệt đánh dấu cột mốc trưởng thành về cơ thể và tâm sinh lý ở nữ giới. Độ tuổi có kinh nguyệt trung bình ở các bé gái là 12 tuổi, muộn nhất là 16 tuổi. Tới một thời điểm trong cuộc đời, kinh nguyệt sẽ chấm dứt gọi là hiện tượng mãn kinh. Độ tuổi mãn kinh phổ biến là ngoài 51 tuổi.

Chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng đối với nữ giới là 28 ngày tính từ thời điểm thấy kinh nguyệt trong kỳ này đến ngày có kinh của kỳ tiếp theo. Các sự kiện diễn ra trong chu kỳ kinh bình thường bao gồm: Chu kỳ kinh được điều tiết bởi sự kết hợp tăng lên, giảm xuống phức tạp của nồng độ các hormone nội tiết tố và hormone vùng dưới đồi.

Chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày được tính như thế nào?

Hành kinh hay có kinh nguyệt là sự kiện khởi đầu kỳ kinh. Trước khi có kinh,  niêm mạc tử cung đang ở dạng xốp, dày để chờ trứng đã thụ tinh làm tổ. Tuy nhiên, nếu trứng không thụ tinh, nồng độ hormone sinh dục sẽ giảm mạnh khiến cho niêm mạc tử cung này bị thoái hóa và bong tróc đi kèm hiện tượng chảy máu. Vì vậy, máu kinh sẽ thường bao gồm máu, chất nhầy và nội mạc tử cung.

Máu kinh của cơ thể khỏe mạnh thường có màu đỏ tươi, các trường hợp máu loãng nhạt, máu đông vón cục, có màu sắc nâu sẫm hoặc xám nhạt có thể tiềm ẩn những dấu hiệu bất thường của cơ thể, bạn cần hết sức lưu ý quan sát. Thời gian có kinh kéo dài từ 3-5 ngày sẽ hết, có trường hợp kinh nguyệt có đến ngày thứ 7 hoặc thứ 10.

Cơ thể có biểu hiện gì khi có kinh nguyệt?

Trong những ngày có kinh nguyệt, rất nhiều phụ nữ có thể gặp phải một trong các biểu hiện như mệt mỏi, cáu gắt, đau bụng dưới, đau lưng dưới, tức ngực, đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên, nhiều chị em cũng trải qua ngày đèn đỏ rất nhẹ nhàng mà không gặp phải những vấn đề kể trên.

Ngày nào trong chu kỳ 28 ngày là ngày rụng trứng?

Rụng trứng là sự kiện quan trọng hàng đầu trong chu kỳ kinh nguyệt. Trong giai đoạn hình thành và phát triển của nang trứng, các hormone quan trọng như FSH được tiết ra để kích thích nang trứng phát triển và  trứng chín. Khi trứng đã đạt được kích thước nhất định, hormone LH sẽ khiến trứng được phóng thích ra khỏi nang trứng dẫn đến hiện tượng rụng trứng.

Dấu hiệu của sự rụng trứng

Cũng giống như khi có kinh nguyệt, ở thời điểm trứng rụng hoặc trứng sắp rụng, cơ thể có thể biểu hiện một số dấu hiệu sau đây:

  • Dịch tiết âm đạo thường xuyên hơn, dịch có dạng trong, lỏng như nước hoặc lòng trắng trứng, không có mùi.
  • Nhiệt độ cơ thể tăng so với ngày bình thường.
  • Ham muốn tình dục nhiều hơn.
  • Các biểu hiện khác như chán ăn, mệt mỏi, đau bụng dưới, căng tức ngực có thể gặp phải tùy vào cơ địa của từng chị em.

Trứng rụng và thời điểm dễ thụ thai trong chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày

Đối với chu kỳ kinh đều đặn 28 ngày, trứng thường sẽ rụng vào ngày thứ 14. Thời gian xảy ra rụng trứng kéo dài trong khoảng 24-48h, nếu trứng không được thụ tinh, nó sẽ dần tiêu biến. Đây cũng là thời điểm vàng để diễn ra sự thụ tinh, nếu quan hệ tình dục trong thời gian này thì khả năng mang thai của phụ nữ sẽ rất cao.

Tuy nhiên, ngày 14 không phải là thời điểm duy nhất để thụ thai, xung quanh ngày này, cụ thể là từ 13-15, nếu hai bạn tiến hành quan hệ tình dục thì cơ hội thụ thai là vẫn có. Cũng với chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày, thời gian quan hệ tình dục để tránh thai tự nhiên là 10 ngày cuối của chu kỳ, khoảng từ ngày 18 trở đi.

Đọc thêm: Chậm kinh 10 ngày có sao không?

Điều gì xảy ra nếu bạn không có chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày

Chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày ổn định được coi là chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng. Tuy nhiên chỉ có 13% số phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày. Những trường hợp có kỳ kinh từ 21-35 ngày vẫn có thể coi là chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

Đối với chu kỳ kinh nguyệt ít hơn hoặc nhiều hơn 28 ngày, cách tính ngày rụng trứng có thể căn cứ vào ngày rụng trứng của chu kỳ 28 ngày và tịnh tiến tùy theo độ dài của chu kỳ kinh nguyệt. Ví dụ, chu kỳ kinh nguyệt của bạn là 26 ngày thì ngày rụng trứng thường rơi vào ngày 13, hay chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài đến 32 ngày thì thời gian trứng rụng có thể rơi vào ngày 16.

Có một số trường hợp bất thường của kỳ kinh bạn cần lưu ý đó là chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn, dưới 21 ngày hoặc quá dài, trên 35 ngày. Hoặc tính đều đặn không thể hiện ở kỳ kinh nguyệt hàng tháng như tháng trước kỳ kinh của bạn dưới 21 ngày, tháng này lại trên 35 ngày. Các trường hợp này có thể quy về tình trạng rối loạn kinh nguyệt, mà nguyên nhân của hiện tượng này thường đến từ:

Nguyên nhân của hiện tượng trễ kinh

  • Quá trình mang thai hoặc cho con bú: Kể từ khi trứng được thụ tinh và làm tổ tại thành tử cung thì hiện tượng kinh nguyệt có thể không xuất hiện nữa do niêm mạc tử cung không bong ra. Điều này sẽ diễn ra cho đến khi người phụ nữ sinh con xong. Một số phản ứng cơ thể người phụ nữ khi cho con bú có thể sản sinh chất gây kinh nguyệt không đều. Vì thế, phụ nữ đang cho con bú thường có kinh nguyệt thất thường, tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng, kinh nguyệt sẽ bình ổn trở lại sau khi con cai sữa.
  • Căng thẳng, mệt mỏi về tinh thần: Stress có thể gây rối loạn sản sinh hormone nội tiết tố nữ dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều và phần lớn là chậm kinh.
  • Hội trứng đa nang buồng trứng: Buồng trứng là nơi sản xuất trứng, khi cơ quan này gặp trục trặc thì hệ thống nội tiết bị rối loạn dẫn đến mất kinh, kinh nguyệt không đều.
  • Suy buồng trứng sớm: Suy buồng trứng sớm có thể dẫn đến tình trạng thưa kinh, dần tiến tới mất kinh.
  • U xơ tử cung: Đây là căn bệnh tử cung có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt, thường làm chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và ra máu nhiều hơn.

Xem thêm: Kinh nguyệt ra ít nguyên nhân do đâu?

Làm sao để kinh nguyệt đều đặn?

Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn là dấu hiệu đáng mừng cho thấy hệ thống sinh sản khỏe mạnh của người phụ nữ. Để duy trì kinh nguyệt đều đặn, chị em có thể chủ động thực hiện một số hoạt động sau đây:

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bản thân và sự rụng trứng

Để biết được chu kỳ kinh nguyệt của mình là bao nhiêu ngày, có đều đặn hàng tháng hay không? Bạn cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình trong vòng 4-6 tháng. Bằng cách ghi lại ngày đầu tiên có kinh nguyệt và ngày cuối cùng của chu kỳ. Bạn cũng có thể quan sát và ghi lại các dấu hiệu của cơ thể trong từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Đó là cách bạn kiểm soát các bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt của mình.

Muốn biết chính xác ngày rụng trứng của mình là bao nhiêu, bạn có thể tự theo dõi tại nhà bằng dụng cụ que thử trứng. Những chị em đang quan tâm đến thời gian rụng trứng cho mục đích sinh con hoặc kế hoạch hóa gia đình có thể tham khảo cách sử dụng que thử phát hiện rụng trứng.

Khám sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa định kỳ

Rối loạn kinh nguyệt có thể là triệu chứng sớm của một số bệnh phụ khoa mãn tính, thậm chí là bệnh ác tính như u xơ tử cung, polyp tử cung, đa nang buồng trứng, ung thư buồng trứng. Những căn bệnh này cần điều trị càng sớm càng tốt vì những biến chứng khi bệnh kéo dài có thể làm suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Vì thế, bạn có thể chủ động tầm soát bệnh tật bằng cách đi khám định kỳ với bác sĩ phụ khoa 2-3 lần/ năm là tốt nhất.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt

Dinh dưỡng góp phần khiến cho chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh với vòng kinh đều, máu kinh đỏ tươi, cơ thể không bị mệt mỏi trong kỳ kinh. Bên cạnh một chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng các loại dinh dưỡng thiết yếu, bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả xanh để cải thiện nội tiết tố, duy trì kinh nguyệt đều đặn.

Các thực phẩm như đồ ăn mặn, tinh bột, đường… bạn chỉ nên tiêu thụ một lượng vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Hạn chế hút thuốc, đồ uống có cồn, chất kích thích bởi những tác nhân này có thể dễ dàng gây rối loạn chu kỳ kinh của bạn.

Đọc thêm:  Nên ăn gì, uống gì để kinh nguyệt đều đặn

Chú trọng giấc ngủ

Phụ nữ nên duy trì thói quen ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya. Nếu bị bệnh mất ngủ, ngủ không sâu giấc cần tìm cách chữa trị sớm, bởi giấc ngủ giúp tinh thần thoải mái, các hormone nội tiết hoạt động bình thường giúp vòng kinh đều đặn hơn.

Lưu ý tập luyện

Những hoạt động vận động hoặc tập luyện thể thao không nên quá lao lực đối với chị em, càng không nên duy trì tình trạng đó trong một thời gian dài, sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, dễ gây mất kinh hoặc rối loạn kỳ kinh. Bạn nên tham khảo các loại hình tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp giúp giải phóng năng lượng, giải tỏa căng thẳng, điều hòa kinh nguyệt. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, chúc bạn luôn khỏe mạnh, vui tươi.

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận