Kinh Nguyệt

Đi tìm nguyên nhân của một chu kỳ không rụng trứng?

18 Tháng Mười, 2021
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Đối với nữ giới, trứng có rụng hay không là yếu tố tiên quyết để sự thụ thai diễn ra. Sự rụng trứng được điều tiết bởi những sự thay đổi tinh tế của các loại hormone trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trục trặc có thể gây ra hiện tượng trứng không thể rụng dù chị em vẫn có kinh nguyệt bình thường. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân của một chu kỳ không rụng trứng trong bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về chu kỳ kinh nguyệt và kỳ rụng trứng

Chu kỳ kinh nguyệt diễn ra như thế nào?

Chu kỳ kinh nguyệt là một thuật ngữ dùng để mô tả chuỗi các sự kiện xảy ra trong cơ thể người phụ nữ nhằm chuẩn bị cho khả năng mang thai mỗi tháng. Chu kỳ kinh nguyệt được từ ngày đầu tiên của kỳ kinh và kéo dài trong vòng 28 ngày. Tuy nhiên, một chu kỳ có thể kéo dài từ 21 ngày đến khoảng 35 ngày vẫn được coi là bình thường.

Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ trải qua bốn giai đoạn bao gồm

  • Giai đoạn hành kinh
  • Giai đoạn nang trứng
  • Giai đoạn phóng noãn
  • Giai đoạn hoàng thể
     
    Chu kỳ kinh nguyệt được kiểm soát bởi các hormone và chia làm 4 giai đoạnĐộ dài của mỗi giai đoạn có thể khác nhau ở mỗi phụ nữ và nó có thể thay đổi theo thời gian.

Giai đoạn nang trứng

Trong giai đoạn này, các nang trứng bắt đầu phát triển do vùng dưới đồi và tuyến yên điều tiết sản sinh hormone FSH có tác dụng kích thích nang trứng. Các nang chứa trứng phát triển dần, trong quá trình đó hormone estrogen gia tăng làm khiến nội mạc tử cung dày dần lên.

Giai đoạn rụng trứng

Khi nồng độ estrogen tăng cao, kích thích tuyến yên tiết hormone LH- loại hormone khiến nang trứng vỡ, giải phóng trứng để trứng di chuyển về ống dẫn trứng.

Thời điểm trứng rụng thường rơi vào ngày thứ 14 nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều đặn là 28 ngày.

Với những người có chu kỳ kinh nguyệt ngắn dưới 21 ngày thì trứng sẽ rụng vào khoảng ngày thứ 7 tính từ đầu chu kỳ.

Đối với chu kỳ kinh nguyệt dài trên 25 ngày, khả năng cao trứng sẽ rụng vào ngày 21.

Trứng sau khi rụng có thể tồn tại trong 24h đầu và dần thoái triển và biến mất sau 48h. Chính vì vậy, thời điểm lý tưởng trứng và tinh trùng có thể kết hợp thành bào thai nhất là ngày rụng trứng. Tuy nhiên, nếu các bạn quan hệ tình dục trước thời gian rụng trứng trong vòng 3 ngày thì vẫn có cơ hội mang thai vì tinh trùng vẫn có thể sống và bơi đến gặp trứng.

Giai đoạn hoàng thể

Sau khi phóng thích trứng, nang trứng còn lại biến đổi thành hoàng thể, chúng tiết ra hormone progesterone và estrogen khiến niêm mạc tử cung dày thêm lên để chuẩn bị cho sự làm tổ của phôi thai. Giai đoạn hoàng thể kéo dài từ 11 đến 17 ngày. Thông thường là kéo dài 14 ngày

Giai đoạn hành kinh

Nếu trứng không được thụ tinh, hoàng thể sẽ thoái hóa khiến lượng hormone estrogen và progesterone giảm xuống. Từ đó lớp niêm mạc tử cung bị hoại tử, bong ra và xuất hiện hiện tượng chảy máu gọi là kinh nguyệt. Thời gian hành kinh có thể kéo dài từ 3-7 ngày hoặc hơn tùy vào cơ địa của từng phụ nữ.

2. Thế nào là một chu kỳ không rụng trứng?

Chu kỳ không rụng trứng được xem xét trong các trường hợp cơ thể người phụ nữ không xảy ra hiện tượng rụng trứng đồng thời với mất kinh và trường hợp vẫn có kinh nguyệt nhưng trứng không rụng. Trứng có thể ngưng rụng khi gặp bất kể gián đoạn nào trong quá trình sản xuất chúng và nguyên nhân hầu hết là các tác nhân khiến hormone nội tiết bị biến đổi bất thường. Cụ thể là các tác nhân sau:

Lý do khiến trứng không rụng

Rụng trứng là một quá trình phức tạp bao gồm rất nhiều cơ quan, tuyến và nội tiết tố cùng tham gia nên có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn. Một số trong số này bao gồm: 

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). đa nang buồng trứng là  bệnh liên quan đến mất cân bằng hormone trong cơ thể khiến phụ nữ rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng. Đôi khi PCOS có liên quan đến mức testosterone-hormone sinh dục nam tăng cao với các biểu hiện lông mọc rậm, mụn trứng cá… 
  • Suy buồng trứng sớm (POI). Điều này xảy ra khi buồng trứng của phụ nữ bị suy giảm chức năng trước tuổi 40. Đôi khi nó được gọi là mãn kinh sớm. Nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm do lượng estrogen giảm mạnh. Suy buồng trứng sớm làm giảm khả năng sinh sản và ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
  • Rối loạn chức năng vùng dưới đồi hoặc tuyến yên. Các tuyến này sản xuất ra các hormone chịu trách nhiệm cho quá trình rụng trứng. Bất cứ điều gì cản trở chức năng bình thường của các tuyến này, chẳng hạn như khối u tuyến yên lành tính, đều có thể gây ra hiện tượng ngưng rụng trứng. 
  • Dự trữ buồng trứng giảm dần (DOR). Lượng trứng mà phụ nữ sản xuất giảm dần theo thời gian là điều tự nhiên, đây là một trong những lý do dẫn đến trứng ít rụng hoặc tần suất rụng trứng thưa hơn.
  • Vô kinh chức năng vùng dưới đồi (FHA). Tình trạng này có thể do căng thẳng, tập thể dục quá mức hoặc trọng lượng cơ thể thấp liên quan đến chế độ ăn uống suy dinh dưỡng.
  • Thời kỳ mãn kinh. Giai đoạn tiền mãn kinh và giai đoạn mãn kinh, bạn có thể bị mất kinh và không rụng trứng hàng tháng.

Ngoài ra có một số thời điểm trong cuộc đời, rụng trứng có thể xảy ra hoặc không xảy ra như:

  • Phụ nữ đang mang thai không rụng trứng.
  • Phụ nữ đang cho con bú có thể rụng trứng hoặc không rụng trứng.
  • Bé gái mới dậy thì cũng có thể trải qua kỳ kinh nguyệt mà không có trứng rụng.

Các triệu chứng của chu kỳ không rụng trứng là gì?

Hiện tượng trứng không rụng vẫn có thể xảy ra dù kinh nguyệt của bạn đến bình thường. Vì thế, các dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài của việc trứng không rụng đôi khi không rõ rệt. Các triệu chứng có thể kể đến bao gồm:

  • Không có kinh nguyệt: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho biết không có sự rụng trứng xảy ra trong tháng.
  • Vẫn có kinh nguyệt nhưng chu kỳ thường bị rút ngắn còn 23-25 ngày so với chu kỳ bình thường.
  • Không thấy chất nhầy cổ tử cung chảy ra từ âm đạo. Nếu hiện tượng tiết dịch nhầy không xảy ra trong cả tháng, bạn cũng nên để ý vì đó có thể là biểu hiện của sự ngưng rụng trứng.

Các biểu hiện trứng không rụng khác như thân nhiệt thất thường, máu kinh nhiều hoặc quá ít khi có kinh.

Hậu quả của trứng không rụng?

Hậu quả trực tiếp nhất của hiện tượng trứng không rụng đó là không thể diễn ra sự thụ thai, dẫn đến tình trạng hiếm muộn, vô sinh ở các cặp đôi. Như đã phân tích ở trên, trứng không rụng ắt có các nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Các bệnh lý buồng trứng không chỉ tăng nguy cơ vô sinh mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn. Đa nang buồng trứng kéo dài dễ biến chứng gây bệnh lý khác như tiểu đường, bệnh tim, ung thư nội mạc tử cung hoặc tình trạng béo phì… Hay ngưng rụng trứng do mãn kinh sớm cũng có thể khiến người phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, loãng xương, rối loạn tâm thần, alzheimer…

3. Điều trị chu kỳ không rụng trứng như thế nào?

Đối với tình trạng không rụng trứng, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Đối với một số phụ nữ, thay đổi lối sống có thể là đủ. Những người khác có thể cần điều trị y tế hoặc phẫu thuật. 

Duy trì lối sống lành mạnh

Thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục có thể hữu ích cho những phụ nữ bị ngưng rụng trứng do chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hoặc thấp. Những tư vấn về chế độ dinh dưỡng sẽ tốt cho bạn. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, tăng cường nạp vitamin và khoáng chất là điều kiện căn bản để các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường.

Tập thể dục quá nhiều hoặc quá ít đều không tốt. Bạn nên tham khảo các bài tập phù hợp với thể trạng của bạn với huấn luyện viên thể thao.

Quản lý căng thẳng: Hãy biết cách quản lý cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, thư giãn khi cần thiết để tránh rơi vào tình trạng căng thẳng quá độ dẫn đến rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.

Điều trị y tế

Một số loại thuốc kê đơn có tác dụng điều tiết quá trình rụng trứng, hỗ trợ khả năng sinh sản như: Clomiphene citrate, gonadotropin, hormone FSH tổng hợp… và rất nhiều loại thuốc khác có thể xuất hiện trong đơn thuốc của bác sĩ nhằm điều trị hiện tượng không rụng trứng.

Tuy nhiên, không phải các trường hợp đều dùng thuốc, bạn cần đi khám trực tiếp để phát hiện nguyên nhân và điều trị đúng bệnh. Một số trường hợp cần thực hiện các phẫu thuật liên quan để khôi phục chức năng hoạt động của buồng trứng. Ví dụ trường hợp bệnh nhân bị đa nang buồng trứng dẫn đến không rụng trứng, một số phẫu thuật nội soi có thể thực hiện như khoan buồng trứng để giảm lượng testosterone, giúp buồng trứng sản xuất trứng đều đặn hơn.

Qua bài viết có thể thấy rằng, chu kỳ không rụng trứng có thể gặp phải ở bất kỳ phụ nữ nào và diễn ra trong nhiều thời điểm trong cuộc đời. Để phòng tránh tình trạng không rụng trứng do các yếu tố bệnh lý gây ra, chị em cần duy trì một lối sống khoa học và lành mạnh, tích cực. Chăm sóc sức khỏe sinh sản là tiền đề cho sự khỏe mạnh tổng thể. Cảm ơn vì đã đón đọc.

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận