Tại sao chị em thấy bụng to ra khi “đến tháng”?
Hầu hết phụ nữ đều cảm thấy mệt mỏi, xuống tinh thần mỗi khi kỳ kinh ghé tới. Nếu để ý, bạn còn thấy rằng bụng dưới trông có vẻ to ra so với những ngày thường. Vậy tại sao lại có hiện tượng bụng to ra khi tới tháng? Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
Nội dung bài viết
Nguyên nhân khiến bụng to ra khi đến tháng?
Ở những ngày bình thường, tử cung co bóp ở mức độ nhẹ, gần như chúng ta không thể nhận thấy được. Khi kỳ kinh đến gần, những sóng dao động này (thường từ đáy tử cùng) sẽ đi xuống cổ tử cung với tần suất lớn hơn gây ra những cơn đau bụng kinh dữ dội.
Mặc dù bụng to ra trong kỳ kinh nguyệt có liên quan đến những cơn co thắt này, nhưng các chuyên gia giải thích nguyên nhân thực sự là do các vấn đề về tiêu hóa mà không phải là hệ sinh sản.
Trong thời kỳ kinh nguyệt, ruột hoạt động chậm hơn do sự gia tăng các cơn co thắt, ‘sóng’ của tử cung có tác động đến tốc độ di chuyển của thức ăn trong hệ tiêu hóa, được gọi là nhu động. Hiện tượng này dẫn tới tình trạng đầy hơi, chướng bụng, và điều đó khiến phụ nữ cảm thấy bụng căng nặng hơn. Rối loạn chức năng đường ruột trong thời gian kinh nguyệt cũng là nguyên nhân khiến nhiều chị em bị tiêu chảy khi đến tháng.
Bên cạnh đó, còn có các yếu tố khác góp phần vào nguyên nhân “to bụng trong kỳ kinh”, chẳng hạn như giữ nước. Khoảng một tuần trước khi kỳ kinh của phụ nữ bắt đầu, nồng độ hormone progesterone giảm xuống. Nghiên cứu cho thấy rằng những thay đổi về mức độ progesterone và estrogen khiến cơ thể giữ lại nhiều nước và muối hơn. Các tế bào của cơ thể bị sưng lên vì trữ nước, vì thế phụ nữ có cảm giác rằng bụng dưới to hơn.
Trong thời gian này, cảm giác thèm ăn của phụ nữ tăng lên, nhiều người thích ăn các món cay và nhiều dầu mỡ, đặc biệt là các bạn nữ ở tuổi vị thành niên rất dễ gặp phải tình trạng này. Thức ăn vào bụng quá nhiều khiến cân nặng tăng lên.
Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của nội tiết tố còn khiến chị em gặp nhiều triệu chứng liên quan khác của thời kỳ tiền kinh nguyệt như là đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, đau bụng kinh…,thậm chí là những thay đổi về tâm lý như lo lắng, cáu gắt, dễ xúc động.
Bạn nên làm gì nếu bụng to ra trong kỳ kinh nguyệt?
Trước hết, bụng to lên khi có kinh nguyệt chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường, nó sẽ nhanh chóng trở lại như trước nên bạn không cần điều trị đặc biệt. Nhưng có một số điều bạn nên làm để giúp những ngày “đèn đỏ” trôi qua nhẹ nhàng hơn.
Tránh caffeine: Caffeine có trong cà phê, trà, cola và sô cô la khiến bạn lo lắng và có thể góp phần gây khó chịu trong kỳ kinh nguyệt.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Chú ý vệ sinh vùng kín và thay băng vệ sinh thường xuyên trong thời gian kinh nguyệt để ngăn ngừa viêm ngứa.
Giữ ấm bụng: Không nên ăn đồ lạnh, giữ ấm bụng. Đừng vì mệt mỏi mà không ăn uống đầy đủ, nếu không khí huyết càng suy yếu trầm trọng.
Tránh thức ăn kích thích: Vào thời điểm này, hãy tránh ăn các món cay hoặc quá mặn, thức ăn khó tiêu, để giảm tình trạng tích nước, đầy hơi, chướng bụng. Ăn cay còn dễ gây ra tiêu chảy, khiến bạn phải ghé thăm nhà vệ sinh nhiều lần.
Nên ăn thực phẩm dễ tiêu hóa: Bạn nên thưởng thức các món dễ tiêu, các món ăn giàu sắt để ngăn chặn tình trạng thiếu máu trong kỳ kinh nguyệt.
Uống nhiều nước: Uống nhiều nước trong khi bị đầy hơi có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng thực ra, nó sẽ giúp hệ tiêu hóa của bạn vận động, ngăn ngừa táo bón, đồng thời giúp thải nước và natri dư thừa ra ngoài, đồng thời giảm “căng bụng”.
Nên vận động nhẹ nhàng: Mặc dù đây là khoảng thời gian nhạy cảm, nhưng bạn hoàn toàn có thể vận động nhẹ nhàng để thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp cho việc đào thải máu kinh tốt hơn, tránh ngồi hoặc nằm tại chỗ quá lâu.
Uống thuốc giảm đau: Trong thời kỳ kinh nguyệt, có thể giảm đau bụng kinh bằng cách uống thuốc giảm đau. Ngoài ra, uống một cốc nước đường nâu nóng cũng sẽ làm giảm các triệu chứng đau bụng kinh.
Đọc thêm: Stress ảnh hưởng thế nào đến chu kỳ kinh nguyệt?
Mẹo giảm bớt khó chịu vùng bụng trong kỳ đèn đỏ
Chườm ấm
Trong trường hợp khó chịu tại chỗ, bạn có thể dùng khăn ấm để chườm nóng tại chỗ kết hợp với xoa bụng, điều này có lợi hơn cho việc giảm bớt các triệu chứng.
Ngải cứu
Nói chung, khi hành kinh, bụng sẽ to hơn bình thường, có người chướng bụng khó tiêu, có người lại đau bụng kinh nhiều hơn, đây là nguyên nhân dẫn đến khí trệ, huyết ứ.
Để thúc đẩy tuần hoàn máu kinh, giảm bớt đau bụng, bạn có thể áp dụng cách sau:
- Nấu 1 nắm lá ngải cứu tươi với 1 thìa đường nâu và 1 quả trứng gà chưa bóc vỏ, cho lượng nước vừa đủ.
- Sau khi đun sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp để nguội.
- Bạn có thể uống nước ngải cứu 1 lần trong ngày, ăn cả trứng. Các triệu chứng khó chịu sẽ được cải thiện.
Uống trà gừng
Thái vài lát gừng tươi rồi xay nhỏ (hoặc giã nát). Lọc lấy phần nước cốt gừng. Đem nước cốt gừng pha với nước ấm nóng, cho thêm một chút mật ong và khuấy đều. Dùng uống trực tiếp khi bị đau bụng kinh. Nước gừng mật ong sẽ giúp cân bằng nhiệt độ vùng bụng và làm nóng vùng bụng, từ đó làm giảm lực co thắt tử cung giúp điều trị đau bụng kinh nhanh và hiệu quả.
Bạn cũng có thể dùng loại trà an thần khác như trà quế, trà hoa cúc để giảm đau bụng kinh và các vấn đề của ngày kinh nguyệt.
Thực hiện những lời khuyên ở trên không chỉ giúp bạn cải thiện tình trạng to bụng khi đến tháng, mà còn cải thiện nhiều triệu chứng tiền kinh nguyệt khác, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, thoải mái hơn để tiếp tục công việc và sinh hoạt thường ngày.
Có thể bạn quan tâm: 6 nguyên nhân khiến kinh nguyệt biến mất đột ngột
Fanpage Dạ Hương: https://www.facebook.com/dahuonghoalinh