Viêm nhiễm phụ khoa

Nấm âm đạo là bệnh gì? Nguyên nhân nào khiến 75% nữ giới mắc phải

31 Tháng Năm, 2019
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Nấm âm đạo xảy ra khi vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ, thiếu quan tâm, chăm sóc. Phần lớn do nấm Candida gây ra. Khi mắc bệnh, chị em sẽ có cảm giác khó chịu, ngứa ngáy và có nhiều khả năng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Nấm âm đạo là bệnh gì?

Nấm âm đạo là tình trạng nấm Candida albicans phát triển quá mức. Sự phát triển quá mức này gây ngứa rát, kích ứng, khí hư tiết nhiều và viêm nhiễm phụ khoa. Thực tế, có đến 75% phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men ít nhất 1 lần trong đời. Nấm âm đạo chỉ phát triển khi vùng kín gặp một số vấn đề như mất cân bằng pH, quan hệ tình dục kém an toàn… Với môi trường âm đạo khỏe mạnh, nấm Candida không có cơ hội để sinh sôi và phát triển.

Nhiễm nấm vùng kín nếu không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách có thể dẫn tới bệnh phụ khoa nguy hiểm. Về mặt sinh học, nấm candida rất dễ điều trị nhưng khó dứt điểm. Đặc biệt, khi vệ sinh vùng kín sai cách còn khiến bệnh dễ tái phát và tái đi tái lại nhiều lần. 

Nấm âm đạo là bệnh gì?
Nấm âm đạo là bệnh gì?

Nguyên nhân gây nấm âm đạo

Nấm Candida albicans vẫn là tác nhân chính gây ra những viêm nhiễm ở vùng âm đạo. Tuy nhiên vẫn có những nguyên nhân khác dẫn đến nhiễm nấm vùng kín.

Rối loạn nội tiết tố nữ

Nội tiết tố nữ thay đổi khi phụ nữ bước vào giai đoạn mang thai hoặc tiền mãn kinh. Điều này khiến lượng hormone sinh dục nữ tăng gây tiết dịch âm đạo nhiều. Lúc này, vùng kín luôn trong tình trạng ẩm ướt. Kết hợp với điều kiện thời tiết giúp vi khuẩn, nấm men phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Chúng gây ra sự mất cân bằng hệ vi sinh vật âm đạo, ngứa ngáy khó chịu.

Để khắc phục tình trạng rối loạn nội tiết tố, chị em nên tham khảo thực phẩm tăng cường nội tiết tố nữ. Hoặc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như bổ sung nhiều thực phẩm giúp tăng nội tiết tố tự nhiên.

Vệ sinh vùng kín sai cách

Nhiều chị em thiếu quan tâm đến cách chăm sóc vùng kín. Đây là một trong những nguyên nhân khiến vùng bị nấm. Một số sai lầm trong vệ sinh “cô bé” mà chị em thường mắc phải:

  • Dùng dung dịch vệ sinh có nồng độ pH kiềm gây khô hạn, ngứa rát
  • Sử băng vệ sinh quá 6 tiếng, không thay quần lót khi ra khí hư nhiều
  • Vệ sinh vùng kín 1 lần/ngày, thậm chí 2 ngày 1 lần
  • Thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo gây tổn thương
  • Rửa sai cách khi rửa từ sau ra trước khiến vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo.
  • Dùng vòi hoa sen xịt nước thẳng vào cửa âm đạo

Quan hệ tình dục thiếu an toàn

Nấm men phát triển khi dịch tiết âm đạo tiết nhiều kết hợp cùng mồ hôi sau khi quan hệ. Nhiều chị em không biết đến cách vệ sinh trước và sau quan hệ. Do đó, nấm và vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển từ môi trường thuận lợi này. Bên cạnh đó, quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp phòng tránh như bao cao su, que tránh thai… Cũng có nguy cơ mắc bệnh phụ khoa, nấm âm đạo. Đặc biệt, việc “yêu” bằng miệng rất cần thận trọng và hạn chế cũng như cần có cách vệ sinh phù hợp.

Sử dụng thuốc kháng sinh

Bạn biết đấy, thuốc kháng sinh không những tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh mà còn giết chết những vi khuẩn có lợi. Chính điều này khiến môi trường âm đạo mất cân bằng pH. Nhân cơ hội này, nấm men phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là vào những ngày thời tiết nóng ẩm, mồ hôi tiết nhiều kèm dịch tiết âm đạo. 

Dùng giấy vệ sinh kém chất lượng

Sau mỗi lần đi tiểu, hầu hết chị em đề sử dụng giấy vệ sinh để lau vùng kín. Nếu đó là giấy vệ sinh kém chất lượng hoặc không đảm bảo vệ sinh, bảo quản thì vi khuẩn và nấm từ đây xâm nhập vào âm đạo. Do vậy, chị em cần lựa chọn loại giấy tốt, không chứa nhiều vụn bột, màu hoặc có mùi khó chịu. Tốt nhất, nên dùng nước để rửa vùng kín sau đi tiểu. Hạn chế dùng giấy vệ sinh, đặc biệt là ở nơi công cộng. 

Ngâm mình lâu trong bồn tắm

Không nên ngâm mình trong bồn tắm quá lâu. Bởi nước tắm bồn đã chứa xà phòng. Chúng có tính kiềm cao dễ gây kích ứng cho “cô bé”. Khi ngâm lâu dưới nước, môi trường pH dễ thay đổi và ở điều kiện thuận lợi này, nấm men phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chị em cũng cần vệ sinh bồn tắm thường xuyên. Vì đây có thể là nơi trú ngụ nhiều bụi bẩn, vi khuẩn… 

Ngâm mình lâu trong bồn tắm có thể dẫn tới viêm vùng kín
Ngâm mình lâu trong bồn tắm có thể dẫn tới viêm vùng kín

Dấu hiệu nhận biết nấm âm đạo

Ngứa rát ở âm đạo

Ngứa rát ở âm đạo là triệu chứng thường gặp đầu tiên khi mắc bệnh phụ khoa. Nấm tiết ra chất độc hại và chất thải gây hại cho niêm mạc. Từ đó dẫn đến kích ứng, sưng và ngứa ngáy kèm cảm giác nóng rát khó chịu. Càng bị nhiễm nấm nặng, vùng kín và âm đạo càng bị ngứa ngáy dữ dội hơn. Điều này tác động không nhỏ tới hiệu quả làm việc, sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, không tự ý kiểm tra và vội vàng khẳng định nấm âm đạo chỉ quả biểu hiện ngứa ngáy thông thường. Bởi có rất nhiều bệnh phụ khoa khác cũng có triệu chứng này. Chính vì vậy, khi có dấu hiệu khác lạ, chị em nên tới bệnh viện để được thăm khám đầy đủ. Nhờ đó biết chính xác nguyên nhân và phương pháp điều trị hợp lý. 

Ra nhiều khí hư màu trắng

Ở người khỏe mạnh, hàng ngày cơ thể vẫn tiết ra một lượng khí hư trong và dai như lòng trắng trứng. Khí hư này có vai trò bôi trơn và giữ ẩm cho âm đạo. Ở những phụ nữ bị nhiễm nấm, khí hư tiết ra nhiều hơn bình thường. Và chuyển sang màu trắng đục nhìn tương tự như váng sữa.

Khí hư có thể vón cục và bốc ra mùi hôi tanh bất thường. Mỗi khi đi tiểu, khí hư sẽ được đẩy ra ngoài nhiều hơn. Chất dịch nhầy cũng có thể đọng lại ở đáy quần lót gây cảm giác ẩm ướt. Nó đem theo cả nấm ra ngoài gây kích ứng da ở vùng kín dẫn đến tình trạng ngứa ngáy khó chịu.

Đau khi quan hệ tình dục

Trong thời gian bị nấm âm đạo, khi bạn không kiêng quan hệ tình dục, bạn sẽ có cảm giác đau nhẹ, tê rát. Cảm giác này có khi dương vật cọ vào thành âm đạo. Nếu quan hệ mạnh, thậm chí bạn còn thấy máu dù chưa tới kỳ kinh nguyệt.

Bệnh nấm âm đạo có nguy hiểm không?

Nấm “cô bé” là căn bệnh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Hơn nữa, trong quá trình điều trị viêm âm đạo cần kiên trì và thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi nấm Candida – nguyên nhân chính gây viêm vùng kín – rất dễ tái lại và khó điều trị dứt điểm.

Ngoài ra, bệnh còn nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Bởi nếu không chữa khỏi trước khi sinh bé, trẻ sinh thường sẽ mắc một số bệnh liên quan như viêm da, viêm phổi, giảm thị giác…

Bệnh nấm âm đạo có nguy hiểm không?
Bệnh nấm âm đạo có nguy hiểm không?

Cách điều trị khi bị nhiễm nấm âm đạo

Cách điều trị đơn giản nhất được các bác sĩ chỉ định đó là đặt thuốc vào âm đạo, thoa kem hoặc thuốc uống. Thuốc chống nấm phổ biến bao gồm clotrimazole, miconazole, nystatin và terconazole. Thuốc fluconazole được dùng theo đường uống. Tác dụng phụ từ bất kỳ các loại thuốc trên rất hiếm, nhưng một số trường hợp có thể khiến âm đạo đau rát.

Ngoài ra, một số bài thuốc dân gian, thảo dược tự nhiên cũng giúp hỗ trợ cải thiện viêm âm đạo hiệu quả. Chị em có thể tham khảo bài thuốc từ lá chè xanh, xông hơi vùng kín… Nếu việc điều trị không đem lại kết quả tốt hoặc tái phát nhiều lần, các bác sĩ có thể đề nghị:

  • Điều trị dài ngày: Bác sĩ có thể kê toa loại thuốc chống nấm trong tối đa 2 tuần. Sau đó giảm thời gian điều trị xuống một lần trong sáu tháng.
  • Thuốc uống đa liều: Bác sĩ của bạn có thể kê toa hai hoặc ba liều thuốc chống nấm đường uống thay vì thuốc bôi. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai.
  • Liệu pháp kháng Azole: thuốc dạng viên nang đưa vào âm đạo của bạn. Thuốc này có thể gây tử vong nếu dùng đường uống và chỉ được sử dụng để điều trị nấm candida kháng với các thuốc chống nấm thông thường.

Phòng tránh và ngăn ngừa nhiễm nấm âm đạo

Để giảm nguy cơ nhiễm nấm âm đạo, bạn nên sử dụng đồ lót có đáy quần bằng cotton và không mặc quần quá chật. Bạn nên:

  • Tránh mặc quần bó sát
  • Tránh thụt rửa âm đạo
  • Chọn các sản phẩm tắm rửa an toàn như xà phòng, băng vệ sinh và tampon.
  • Không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh
  • Không sử dụng kháng sinh khi không cần thiết. Chẳng hạn như cảm lạnh hoặc nhiễm virus.
  • Không nên quần áo ướt, như đồ bơi và trang phục tập luyện trong thời gian dài.
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH trung tính từ 3,8-4,4.
  • Luyện tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể lực thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh
  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp giữ cho hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn khỏe mạnh

Nhiễm nấm âm đạo có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng việc sử dụng thuốc theo đúng phác đồ. Bên cạnh đó cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng nhiễm nấm âm đạo.

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận