Kinh Nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt có vô sinh không?

17 Tháng Mười Một, 2020
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Nhiều chị em khi bị rối loạn kinh nguyệt đều có chung thắc mắc: “Rối loạn kinh nguyệt có gây vô sinh không? Có nên điều trị rối loạn kinh nguyệt trước khi mang thai hay không?” Tuy nhiên, chỉ bằng một hai câu sẽ không thể giải thích rõ được vấn đề này. Vì ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt đối với khả năng sinh nở của phụ nữ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, hãy cùng xem xét chi tiết mối quan hệ giữa rối loạn kinh nguyệt và vô sinh trong bài viết dưới đây nhé.

Thế nào được coi là vô sinh nữ?

Những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chung sống trên một năm, đời sống tình dục bình thường, không áp dụng biện pháp tránh thai nào mà không có thai thì được gọi là vô sinh (infertility), hiếm muộn.

Vô sinh có thể xảy ra từ 1 hoặc cả 2 phía, vợ và chồng. Nếu như sức khỏe sinh sản của người đàn ông hoàn toàn khỏe mạnh, tinh trùng bình thường, mà người phụ nữ không thể thụ thai trong ít nhất 6 tháng, mặc dù không sử dụng biện pháp tránh thai nào, thì được gọi là vô sinh nữ.

Vô sinh được chia thành 2 nhóm:

  • Vô sinh nguyên phát: người vợ chưa từng mang thai, hai vợ chồng đã chung sống cùng nhau trên 1 năm, quan hệ tình dục đều đặn và không sử dụng biện pháp tránh thai nào
  • Vô sinh thứ phát: hai vợ chồng đã từng có con hay mang thai, nhưng sau đó không thể có thai trở lại mặc dù quan hệ tình dục đều đặn và không sử dụng biện pháp tránh thai nào.

Rối loạn kinh nguyệt có vô sinh không?

1. Dấu hiệu chứng tỏ rối loạn kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt là quá trình trưởng thành của tế bào trứng, sự tăng sinh của nội mạc tử cung, chuẩn bị cho giai đoạn thụ tinh và mang thai. Nếu phụ nữ mang thai, phôi thai sẽ tiếp tục phát triển và chu kỳ kinh nguyệt sẽ khép lại. Nếu không mang thai, lớp nội mạc tử cung sẽ bị bong ra và kinh nguyệt được đào thải ra ngoài.

Muốn biết rối loạn kinh nguyệt có ảnh hưởng đến việc mang thai hay không thì trước hết bạn phải hiểu rối loạn kinh nguyệt là gì.

Rối loạn kinh nguyệt thường phản ánh 4 khía cạnh sau:

  • Một là chu kỳ kinh nguyệt không đều: Chu kỳ kinh nguyệt dưới 22 ngày hoặc trên 35 ngày, số lần hành kinh ít hơn 8 lần trong một năm, không thấy kinh từ 6 tháng trở lên là những biểu hiện của chu kỳ kinh nguyệt không đều. Lưu ý: Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn giảm từ khoảng 28 ngày xuống còn 21 ngày, hoặc kinh nguyệt đã ngừng hoàn toàn thì có thể là bạn đang đến tuổi mãn kinh.
  • Thứ hai là thời gian hành kinh quá dài hoặc quá ngắn: Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày (rong kinh) hoặc ngắn dưới 3 ngày là bất thường.
  • Thứ ba là lượng kinh quá nhiều hoặc quá ít: Lượng kinh nguyệt của một tháng lớn hơn 80ml là ra nhiều, và dưới 5ml có nghĩa là kinh nguyệt ít (thiếu kinh).
  • Thứ tư, màu sắc máu kinh bất thường: Ở phụ nữ khỏe mạnh, kinh nguyệt có màu đỏ đậm, về cuối chu kỳ có thể chuyển thành màu nâu như bã cà phê. Tuy nhiên ở nhiều người bị rối loạn kinh nguyệt, màu sắc máu kinh có thể biểu hiện bất thường như: màu đỏ tươi, màu hồng,…tính chất máu kinh thay đổi: nhiều cục máu đông hoặc loãng như nước, có mùi hôi đặc biệt khó chịu.

Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt còn có thể đi kèm với một số biểu hiện khác như: Đau bụng kinh dữ dội (thống kinh), tiểu rắt, tiểu buốt…

2. Rối loạn kinh nguyệt có dẫn tới vô sinh?

Có rất nhiều lý do dẫn tới rối loạn kinh nguyệt, một số sẽ không ảnh hưởng đến việc mang thai, một số có thể gây vô sinh. Vậy, nguyên nhân nào khiến kinh nguyệt bị rối loạn dễ dẫn đến vô sinh?

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ không phải là một yếu tố bất di bất dịch, nó khác nhau qua từng tháng và khác nhau ở từng phụ nữ. Đây là điều hết sức bình thường. Vì thế, bạn không cần quá lo lắng nếu như chu kỳ kinh nguyệt của bạn vẫn tương đối đều đặn, số ngày hành kinh hay lượng máu kinh hơi vượt tiêu chuẩn một chút cũng không phải là vấn đề lớn.

Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra tạm thời do các yếu tố như căng thẳng, stress, thay đổi múi giờ sinh hoạt, chế độ ăn uống giàu chất béo, uống thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai hay tập thể dục quá căng thẳng. Thường thì kinh nguyệt sẽ tự cân bằng trở lại khi bạn chấm dứt những yếu tố này.

Để chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, tuyến yên và vùng dưới đồi trong não phải hợp tác với buồng trứng. Khi các mắt xích này không phối hợp nhịp nhàng đồng nghĩa với việc bài tiết estrogen bị rối loạn, buồng trứng không thể sản xuất trứng một cách bình thường, đây là nguyên nhân rõ ràng dẫn đến vô sinh nữ.

Nếu rối loạn kinh nguyệt xuất phát từ một vấn đề bệnh lí tiềm ẩn trong cơ thể thì phụ nữ cần được điều trị những tình trạng này trước khi lên kế hoạch mang thai. 

Đại đa số bệnh nhân vô sinh nguyên phát đều bị rối loạn kinh nguyệt. Vô sinh nguyên phát thường liên quan tới những tình trạng bệnh lí bên trong đường sinh sản như là: suy buồng trứng sớm, hội chứng buồng trứng đa nang, suy buồng trứng sớm, tăng prolactin máu, suy tuyến giáp… Những bệnh lý này dễ dẫn đến rối loạn rụng trứng, trứng không thể phát triển đầy đủ và trưởng thành như bình thường được. Vì thế, trứng sẽ không thể rụng hoặc rụng không đều đặn hàng tháng, do đó cơ hội thụ thai sẽ thấp hơn hẳn.

Trong đó, nếu phụ nữ hiếm muộn do hội chứng buồng trứng đa nang thì cần điều chỉnh nồng độ hormone androgen trong cơ thể về một giới hạn nhất định, sau đó mới điều trị kích thích rụng trứng, các bệnh khác về điều hòa nội tiết, kinh nguyệt có thể trở lại bình thường, quá trình rụng trứng cũng có thể phục hồi.

Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt do polyp nội mạc tử cung, u xơ dưới niêm mạc, tăng sản nội mạc tử cung và các nguyên nhân khác cũng có thể gây vô sinh. Vì những yếu tố này có thể dẫn đến dị tật tử cung, không có lợi cho quá trình làm tổ của trứng đã thụ tinh, trứng đã thụ tinh không thể làm tổ được nên đương nhiên không thể có thai. Những tổn thương thực thể này cần xử lý bằng phẫu thuật trước khi chuẩn bị mang thai.

Khoảng 5% đến 10% phụ nữ hiếm muộn bị rong kinh, nguyên nhân có thể do u xơ tử cung. Tương tự, đau bụng kinh dữ dội và thường xuyên có thể là tín hiệu cho thấy bạn bị lạc nội mạc tử cung, bệnh này cũng liên quan đến vô sinh nữ.

Để chẩn đoán rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu tử cung bất thường, cần loại trừ chảy máu do thai nghén. Nhưng trong nhiều trường hợp, rất khó phân biệt sự khác nhau giữa rối loạn kinh nguyệt và chảy máu thai nghén, sảy thai, thai ngoài tử cung. Nếu là bệnh nhân bị kinh nguyệt không đều thì lại càng khó phân biệt. Do đó, nếu bị ra máu, đau bụng thì bạn nên đến bệnh viện để khám và điều trị ngay.

Việc điều chỉnh kinh nguyệt trước rồi mới có thai không thể nói chung chung. Nếu như bạn nhận thấy rằng, tình trạng rối loạn kinh nguyệt của bản thân kéo dài qua nhiều chu kỳ liên tiếp, các triệu chứng ảnh hưởng trầm trọng tới cuộc sống và sinh hoạt, thì bạn nên đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân chính xác cho bất thường là gì, đồng thời cho bạn biết được liệu tình trạng này có thể ảnh hưởng tới khả năng mang thai trong tương lai hay không,cũng như giải pháp điều trị phù hợp.

Làm sao để phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt và những ảnh hưởng của nó tới khả năng mang thai của phụ nữ?

Phụ nữ muốn mang thai bình thường thì cần lưu ý nhiều điều hơn từ lối sống của mình.

  • Trước hết là phải có một cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục nhiều hơn để duy trì sức khỏe của bạn. Đồng thời cũng cần tiết chế cảm xúc để tránh căng thẳng. Nếu có tâm sự hay lo lắng hãy chia sẻ với người thân hay bạn bè để giảm bớt suy nghĩ tiêu cực, giúp tinh thần lạc quan hơn.
  • Thứ hai, tuân theo chế độ ăn uống cân bằng. Tránh ăn thực phẩm gây lạnh bụng vì có thể làm cơn đau bụng kinh trầm trọng hơn. Hạn chế sử dụng bia rượu và các chất kích thích. Nên thường xuyên uống nhiều nước để chuyển hóa các yếu tố xấu trong cơ thể. Ăn nhiều thịt nạc, ngũ cốc, rau quả xanh. Xem thêm: Rối loạn kinh nguyệt nên ăn gì, uống gì?
  • Thứ ba, chú ý đến đời sống tình dục an toàn. Quan hệ tình dục vợ chồng thường xuyên từ 2 – 3 lần một tuần, không quan hệ thô bạo, không thủ dâm quá độ,…Chú ý vệ sinh sạch sẽ trước và sau giao hợp để tránh lây nhiễm mầm bệnh vào đường tình dục, gây ra các bệnh phụ khoa, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản về sau.
  •  Thứ tư, người phụ nữ nên tránh tiếp xúc với dung môi hữu cơ, kim loại nặng, nhựa, cao su… đây là những thành phần độc hại, tiếp xúc lâu ngày lâu ngày dễ bị vô sinh, sảy thai hoặc tăng cao nguy cơ dị tật thai nhi sau sinh.
  • Thứ năm, không nên kết hôn quá muộn hoặc tránh thai quá lâu.

Nói tóm lại:

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ không ổn định sẽ gây khó khăn cho các cặp vợ chồng khi tính toán thời gian giao hợp để chủ động thụ thai. Rối loạn kinh nguyệt cũng có thể làm cho nội mạc tử cung của phụ nữ quá mỏng hoặc quá dày, nếu buồng tử cung không có môi trường tốt cho sự làm tổ và phát triển của trứng đã thụ tinh sẽ dễ làm tăng khả năng mang thai sinh hóa, sảy thai sớm, sót phôi thai.

Vì vậy, chị em bị rối loạn kinh nguyệt phải tìm ra nguyên nhân kinh nguyệt không đều là gì để kịp thời xử lý. Chỉ bằng cách đảm bảo hoạt động bình thường của cơ thể trước khi có kế hoạch mang thai thì mới có thể tăng tỷ lệ mang thai một cách hiệu quả và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh cho bà bầu, tạo nền tảng tốt cho việc sinh ra một em bé khỏe mạnh.

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận