Viêm nhiễm phụ khoa

Quan hệ bị đau bụng dưới – Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

2 Tháng Mười Một, 2021
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Quan hệ tình dục bị đau bụng dưới là vấn đề tế nhị nhiều chị em gặp phải. Đối diện với tình trạng này, chị em thường hoang mang không rõ nguyên nhân đến từ đâu. Để giải tỏa tâm lý lo lắng này, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những lý do phổ biến dẫn đến hiện tượng đau bụng dưới khi quan hệ.

Có nhiều yếu tố gây đau bụng dưới khi quan hệ tình dục, đó có thể là tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, thay đổi nội tiết tố, cuộc yêu quá mạnh bạo, gấp gáp hay đôi khi chỉ là yếu tố tâm lý… Tuy nhiên, dù là lý do gì thì tình trạng bị đau khi quan hệ sẽ khiến chất lượng cuộc yêu giảm sút, bớt đi khoái cảm và gây tâm lý e ngại chuyện đó cho chị em.

Vì sao quan hệ tình dục bị đau bụng dưới?

Do thay đổi hành vi quan hệ tình dục

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là chuyện yêu diễn ra khi cả hai quá vội vã, bỏ qua màn dạo đầu khiến âm đạo chưa được bôi trơn. Kết hợp với quan hệ sai tư thế hoặc thô bạo sẽ khiến phái nữ cảm thấy đau và cơn đau thường đau rát khó chịu và không cảm nhận được khoái cảm.

Quan hệ tình dục với tần suất liên tục hoặc thời gian giao hợp quá lâu cũng khiến tình trạng đau bụng dưới ở nữ giới gia tăng. Lý do bởi vì các cơ quan vùng chậu chịu lực tác động và hoạt động co bóp quá nhiều gây đau thắt.

Do quan hệ tình dục khi đang mang thai

Tình trạng người phụ nữ bị đau bụng khi quan hệ tình dục trong thời gian mang thai thường xảy ra ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Quan hệ tình dục khiến tử cung co bóp mạnh, điều này rất nguy hiểm bởi nó làm tăng nguy cơ sảy thai khi tư thế quan hệ không đúng cách hoặc quá mạnh.

Do khô âm đạo

Âm đạo khô hạn khiến cho chuyện sinh hoạt vợ chồng gặp nhiều khó khăn. Người nữ thường xuyên cảm thấy đau rát, khó chịu, thậm chí chảy máu âm đạo, giảm ham muốn tình dục và e ngại chuyện yêu diễn ra. Triệu chứng đau khi quan hệ do khô rát âm đạo được mô tả là cơn đau rát ở lối vào và khi mới bắt đầu thâm nhập.

Có rất nhiều yếu tố khiến cho phụ nữ có thể rơi vào tình trạng âm đạo khô rát. Các yếu tố bao gồm:

  • Thay đổi hormone nội tiết sau khi sinh
  • Thay đổi nội tiết giai đoạn tiền mãn kinh
  • Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Tây y
  • Ảnh hưởng của các bệnh lý gây rối loạn nội tiết
  • Thụt rửa âm đạo hoặc sử dụng hóa mỹ phẩm không phù hợp cho vùng kín

Đau bụng dưới khi quan hệ tình dục do bệnh lý

Do lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là cái tên không còn xa lạ với phái nữ, là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung đi lạc ra ngoài tử cung và xâm nhập các cơ quan khác như buồng trứng, ống dẫn trứng, hoặc đi xa hơn vào các cơ quan khoang bụng như ruột, bàng quang.

Các nội mạc tử cung đi lạc và bám dính vào các tổ chức khác gây tình trạng viêm nhiễm, ách tắc ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các cơ quan này. Phản ứng thường thấy khi bị lạc nội mạc tử cung là các cơn đau bụng dưới âm ỉ, rõ rệt hơn khi giao hợp, có thể sẽ chảy máu và tiếp tục đau sau khi đã quan hệ tình dục xong. Cơn đau khi quan hệ tình dục do lạc nội mạc tử cung thường là đau sâu và đau trong suốt và sau quá trình quan hệ.

Các triệu chứng khác khi bị lạc nội mạc tử cung bao gồm:

  • Đau thắt lưng và đau vùng chậu
  • Đau khi đại tiện, tiểu tiện, đau bụng kinh nhiều hơn khi đến tháng
  • Có máu lẫn trong nước tiểu hoặc phân
  • Máu kinh ra nhiều hơn, thời gian hành kinh kéo dài
  • Cơ thể mệt mỏi, các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi….

Do bệnh viêm vùng chậu (PID)

Bệnh viêm vùng chậu PID là thuật ngữ chỉ chung những bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản, có thể bao gồm viêm tử cung, viêm buồng trứng, viêm tắc ống dẫn trứng… Bệnh gây ra do vi khuẩn đi ngược từ âm đạo hoặc do các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia…

Đau bụng dưới do PID thường diễn ra trong quá trình quan hệ kèm theo chảy máu âm đạo. Bệnh cần điều trị sớm để tránh trầm trọng hơn và gây các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, bạn nên kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị bệnh cho tới khi hồi phục hoàn toàn.

Đọc chi tiết: viêm vùng chậu có chữa khỏi được không?

Do u xơ tử cung hoặc ung thư cổ tử cung

Các khối u phát triển trong cơ quan sinh sản của phụ nữ có thể gây đau đớn khi quan hệ tình dục. Nguyên nhân là do quá trình quan hệ tình dục gây chèn ép, tác động lực kích thích lên các khối u gây đau. U xơ tử cung có thể gây đau khi quan hệ tình dục, đau trước và trong thời kỳ kinh nguyệt, đau khi đi tiểu và đi tiểu thường xuyên. Đọc thêm: Bị u xơ tử cung khi nào nên mổ?

Ung thư cổ tử cung cũng là bệnh lý nguy hiểm được biểu hiện bằng triệu chứng đau bụng dưới khi quan hệ tình dục. Đối với hai bệnh lý này, cơn đau bụng dưới khi quan hệ cảm nhận rõ rệt khi dương vật đâm sâu hơn vào tử cung, đau nhói dữ dội.

U nang buồng trứng: Là bệnh lý xuất hiện các nang bất thường ở buồng trứng của phụ nữ, u nang buồng trứng có thể lành tính hoặc ác tính, kích thước nang lớn hoặc nhỏ tùy vào giai đoạn của bệnh. Áp lực khi quan hệ tình dục, khi tập luyện hoặc lao động nặng có thể khiến phát sinh các cơn đau nhói.

Do mắc hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể gây táo bón, tiêu chảy, co thắt dạ dày, đại tràng và đầy hơi, tất cả đều có thể khiến quan hệ tình dục trở nên đau đớn hơn và gây căng thẳng tinh thần cho hành vi giao hợp. 

Làm gì khi bị quan hệ tình dục bị đau bụng dưới

Nếu bạn cảm thấy đau bụng thường xuyên khi quan hệ tình dục. Hãy nhắm vào các nguyên nhân gây ra hiện tượng này để tìm cách khắc phục.

Đau bụng dưới khi quan hệ tình dục do các yếu tố sinh lý như tư thế hay hành vi quan hệ, bạn có thể tìm cách xử lý bằng cách trao đổi thẳng thắn với người đàn ông của mình. Các bạn hãy tham khảo áp dụng các biện pháp quan hệ an toàn, hạn chế quan hệ thô bạo và nên có màn dạo đầu để tạo cảm xúc cho cuộc yêu. Hành động này của người đàn ông giúp phụ nữ không bị đau và tận hưởng chuyện đó trọn vẹn hơn.

Hạn chế quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu có phát sinh giao hợp, các bạn nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh tổn thương đến thai nhi. Sản phẩm bôi trơn khi quan hệ tình dục chất lượng tốt và an toàn cũng là một biện pháp phù hợp với chị em bị khô rát âm đạo và muốn giảm đau đớn trong quá trình sinh hoạt vợ chồng.

Đối với tình trạng khô hạn âm đạo, bạn cũng nên đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu khô hạn âm đạo giai đoạn tiền mãn kinh, bạn có thể được kê đơn một số thuốc kích thích sản xuất và cân bằng hormone sinh sản, sẽ giải quyết được phần nào tình trạng khô rát âm đạo hiện tại.

Hiện nay, việc sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ đã trở nên phổ biến đối với chị em. Dung dịch vệ sinh phụ nữ có tác dụng hỗ trợ quá trình làm sạch, loại bỏ vi khuẩn và mùi hôi ở vùng nhạy cảm, mang lại cảm giác sạch sẽ, khô thoáng cho nơi ấy. Tuy nhiên, nếu lựa chọn sản phẩm vệ sinh không phù hợp, độ pH không tương thích với môi trường âm đạo sẽ làm tăng nguy cơ âm đạo bị khô rát, thiếu độ ẩm, gây đau khi quan hệ tình dục.

Vì vậy, chị em nên cẩn thận trong khâu lựa chọn sản phẩm dung dịch vệ sinh vùng kín, tốt nhất hãy lựa chọn những sản phẩm từ các thương hiệu được nhiều người tin dùng, có độ pH dao động từ 3.8-4.5 và chứa ít thành phần hóa học thay vào đó là các thành phần thiên nhiên dịu nhẹ, lành tính.

 Quan hệ tình dục bị đau bụng dưới, khi nào thì nên đi khám?

Đối với các trường hợp còn lại bị đau bụng dưới khi quan hệ tình dục nghi ngờ bệnh lý. Chị em cần tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe bằng cách đi khám tại các bệnh viện, phòng khám uy tín.

Tất cả những bệnh lý có thể gây đau tức khi quan hệ tình dục kể trên cần được nhanh chóng phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, hãy đừng trì hoãn việc đi khám nếu có những biểu hiện sức khỏe bất thường sau:

  • Đau bụng dưới khi quan hệ tình dục, chảy máu trong và sau khi giao hợp.
  • Không chỉ đau khi quan hệ, các cơn đau có thể xuất hiện nhiều lần trong ngày và kéo dài.
  • Cơ thể mệt mỏi, có biểu hiện sốt thường liên quan đến bệnh viêm nhiễm.
  • Rối loạn kinh nguyệt, máu sắc kinh nguyệt bất thường, vón cục và có mùi khó chịu
  • Các triệu chứng rong kinh, máu kinh ra nhiều ồ ạt đều có thể liên quan đến những bất thường hệ thống sinh sản.

Đọc thêm: 5 điều chị em cần biết trước khi đi khám phụ khoa

Nói chung, để kiểm soát sức khỏe tốt nhất, phụ nữ nên có lịch trình khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe phụ khoa 2-3 lần/năm. Bất kỳ bệnh lý hoặc những vấn đề nguy cơ nào được phát hiện sớm thì việc điều trị cũng trở nên dễ dàng và đạt kết quả tốt hơn.