Nếu thời gian là thứ đáng quý thì kỉ niệm có với nhau mới là điều vô giá. Hạnh phúc không phải đích đến, hạnh phúc là con đường chúng ta đang bước đi.
Những ngày qua, các hội nhóm ngỡ tưởng chỉ dành riêng cho phụ nữ thì đàn ông cũng ồ ạt tham gia. Ai cũng xuất hiện niềm vui nho nhỏ khi bắt gặp khoảnh khắc các ông chồng đứng tráng bánh cuốn, hì hục làm nhà bằng bìa carton cho con nhỏ. Quả thật, thời gian sống chậm này giúp mỗi chúng ta trưởng thành lên rất nhiều, trưởng thành với cuộc đời, với xã hội và đặc biệt với những người thân yêu.
Để tôi kể cho các bạn nghe 1 câu chuyện – một câu chuyện rất đời mà bất cứ cặp vợ chồng nào cũng từng qua nhưng không phải ai cũng cảm nhận được hết.
Anh là CEO của công ty du lịch, khối lượng công việc của anh rất lớn. Từ ngày mọi thứ phát triển, anh đề nghị vợ nghỉ giảng dạy ở trường đại học để về làm nội trợ, làm hậu phương cho anh yên tâm lo sự nghiệp.
Anh thường đi sớm về khuya, có những hôm ngồi lì ở văn phòng vì bí ý tưởng chiến lược, vợ lại phải mang cơm qua. Anh ăn rất nhiều bữa ăn sang trọng ở mọi nơi trên thế giới nhưng chỉ có cơm vợ nấu là anh thấy ngon nhất. Không phải vì nó cao xa hay cầu kì, chỉ đơn giản đó là dư vị gia đình mà anh cảm nhận được khi phải hằng ngày chiến đấu với cuộc sống xô bồ, vội vã ngoài kia.
Nhưng rồi, cùng với những hợp đồng lớn là niềm vui trong anh là vị thế được khẳng định, chỉ có điều anh không nhớ nổi lần gần đây nhất anh được ở bên vợ 10 phút là khi nào.
Sinh nhật vợ cũng quà chuyển phát nhanh, con khoe điểm thi tốt cũng quà qua chuyển khoản, bố mẹ ốm đau cũng là thuốc bổ vợ mua mang sang. Anh còn trọng trách lớn hơn mà, mọi người sẽ thông cảm cho anh thôi!
Bắt đầu qua Tết được 1 tháng, công việc của anh chững lại. Dịch bệnh làm ngành của anh lại càng khủng hoảng. Vợ anh trấn an chồng: “Buồn phiền không giải quyết được điều gì cả. Anh hãy tranh thủ thời gian này nghỉ ngơi, chuẩn bị cho các dự án mới”.
Lòng anh thắt lại, sau tiếng thở dài anh nhìn vợ giật mình phát hiện ra, cô ấy gầy và già đi nhiều. Một người phụ nữ chỉ ở nhà mà cũng xuống sắc được sao?
Anh xem lại những đoạn camera bất kể ngày hay đêm. Anh bàng hoàng khi nhận ra, cô là người tắt báo thức của anh mỗi sáng để chồng ngủ thêm 10 phút. Cô là người âm thầm đến dọn phòng làm việc của anh mỗi tuần, thay chỗ cafe trong tủ bằng loạt trà giải nhiệt. Cô cũng là người xem trước lịch họp, lịch làm việc trong ngày của anh để sắp xếp cùng trợ lý, chuẩn bị cho anh từng bộ đồ. Cô còn là người lặng lẽ từng đêm vào phòng làm việc đắp lại chăn, để sẵn đồ ăn khuya cho chồng…
Lâu lắm rồi anh mới có cơ hội thưởng thức bữa cơm nhà 1 cách trọn vẹn. Hóa ra, người ta ngồi vào mâm cơm không chỉ để ăn, để có trách nhiệm với cái dạ dày mà người ta trò chuyện, hỏi han nhau, thể hiện sự quan tâm đến nhau qua từng cử chỉ nhỏ nhất.
Anh không còn buồn vì công việc đình trệ nữa, bởi không thế sao anh biết vợ anh đang già đi vì anh, con anh đã quen với sự vắng mặt thường xuyên của anh trong căn nhà này.
Hôn nhân không phải 2 người sinh ra và lớn lên dưới 2 môi trường khác biệt vì hợp mà kết hôn. Hôn nhân là thích nghi, là chấp nhận những thiếu sót và bao dung mọi thứ thuộc về nhau.
Khi bước vào hôn nhân ai cũng mang trong mình tình yêu và niềm tin mãnh liệt. Nhưng chỉ khi trải qua những năm tháng của dầu gạo mắm muối, điện nước, bỉm sửa… bào mòn người ta mới mất đi sự hứng khởi ban đầu.
Bởi khi là vợ là chồng của nhau, họ tạm gác lại tình yêu mà cùng bước vào cuộc đua xã hội, đủ thứ bó buộc trên đời. Nhịp sống quá gấp gáp làm họ để tình yêu ngủ quên. Vậy nên đừng than thở trong thời gian này bởi về sau nhiều năm nữa, đó sẽ là chuỗi ngày với rất nhiều kỉ niệm đẹp để chúng ta kể cho con cháu.
Thử tưởng tượng nhé, bình thường 2 vợ chồng giận nhau thì đã có công việc để quên đi nhưng giờ đây ngày nào cũng nhìn thấy nhau, thay vì “đầu hàng” trước khi nhập cuộc thì hãy nghĩ xem, chúng ta có khả năng quyến rũ đối phương như ngày đầu yêu nhau không?
Nhà văn Gabriel García Márquez đã từng nói: “Vấn đề trong hôn nhân thường kết thúc sau mỗi cuộc yêu vào ban đêm và cần được xây đắp lại mỗi sáng trước bữa điểm tâm”.
Nếu cặp vợ chồng nào cũng thực hiện đúng quy ước ấy thì sẽ chẳng có cuộc hôn nhân nào bất hạnh. Chúng ta sinh ra không phải chỉ có mỗi việc yêu nhau, chúng ta còn phải gánh trách nhiệm cuộc sống, xã hội cùng bao nhiêu ràng buộc với cuộc đời này. Vậy nên, không phải lúc nào cũng có nhiều thời gian cho các cặp vợ chồng được setup lại tất cả, được 1 lần nữa nhìn lại và hiểu nhau hơn.
Trước khi muốn chán nản hay tức giận điều gì hãy nghĩ, đối phương là người mà ta đã lựa chọn, dù mối quan hệ này có đi đến đâu sau sự nóng nảy ấy thì vẫn không phủ nhận được 1 điều, chúng ta đã từng là cả thế giới trong nhau.
Bạn có từng hỏi vì sao chỉ khi người ta nằm trên giường bệnh mới biết quý sức khỏe, khi mất tất cả mới biết nâng niu từng nghìn lẻ mình làm ra, khi đối diện với sinh tử mới biết hóa ra mình đã yêu anh/ cô ấy nhiều đến thế nào? Đó là bởi vì lúc có trong tay người ta không biết trân trọng, người ta luôn mặc định những thứ đang sở hữu là hiển nhiên.
Nào, giờ thì bạn biết mình cần làm gì rồi đấy, thử bất cứ điều gì trước đây vợ chồng bạn chưa được làm, không dám làm và thậm chí là làm rồi nhưng thất bại. Không quan trọng đó cụ thể là việc gì, quan trọng là được vui vẻ bên nhau.
Nếu thời gian là thứ đáng quý thì kỉ niệm có với nhau mới là điều vô giá. Hạnh phúc không phải đích đến, hạnh phúc là con đường chúng ta đang bước đi. Hãy biến khó khăn, thử thách trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào cũng trở thành cơ hội để được gần nhau, chia sẻ và hiểu nhau nhiều hơn.
Chiến dịch Doanh trại Hạnh Phúc là chiến dịch do báo Afamily và nhãn hàng Dạ Hương thực hiện nhằm cổ vũ tinh thần Ở nhà chống dịch theo lời kêu gọi của Thủ tướng. Ở nhà là yêu nước, mỗi cá nhân là “một chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài”, cùng nhau đồng lòng chúng ta sẽ xây dựng thật nhiều ” doanh trại hạnh phúc”.
Thông qua chiến dịch, Afamily và nhãn hàng Dạ Hương mong muốn đồng hành cùng cộng đồng và các gia đình, lan tỏa nguồn cảm hứng tốt đẹp, tiếp thêm niềm tin để Việt Nam chiến thắng dịch bệnh.
Xem thêm thông tin về chiến dịch tại: