Sức khỏe sinh sản

Tìm hiểu các nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới

23 Tháng Mười Một, 2020
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Vô sinh là một vấn đề nhức nhối với mọi cặp vợ chồng, nhất là với những cặp vợ chồng trẻ vừa mới kết hôn. Vô sinh có thể xuất phát từ một phía, chồng hoặc vợ, hoặc cả hai phía. Trong nội dung bài viết hôm nay, Dạ Hương sẽ cùng các bạn tìm hiểu chi tiết về các nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.

Con số báo động về tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam hiện nay

Theo kết quả thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh hiếm muộn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương ở vào khoảng 6 -12%, trong đó Việt nam là quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao nhất. Không chỉ vậy, Việt Nam hiện tại cũng là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất, điều đó cũng có thể liên quan tới vô sinh.

Kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cũng chỉ ra tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam lên tới 7,7%, tức là cả nước hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Con số này gia tăng không ngừng là dấu hiệu cho thấy tỷ lệ vô sinh đang trẻ hóa từng ngày, với khoảng 50% các cặp vợ chồng vô sinh dưới 30 tuổi. Trong đó, tỉ lệ vô sinh thứ phát đang tăng nhanh, chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh và gia tăng hơn các năm trước khoảng 15-20%.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội với nhóm đối tượng gồm 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng ở nước ta cho thấy tỉ lệ vô sinh là 7,7%. Trong đó, tỷ lệ  vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Tại một số vùng, tỷ lệ này đặc biệt cao như là Hà Nội 13%, Khánh Hòa gần 14%. Đây quả thực là những con số đáng báo động.

Mỗi ngày, tại BV Phụ sản Trung ương, BV Chuyên khoa Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội, BV Bưu Điện vẫn có hàng trăm cặp vợ chồng tới tư vấn, điều trị hiếm muộn. Riêng Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y) mỗi năm tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 10.000 lượt người vô sinh, đa số ở độ tuổi 25-32

Theo số liệu từ Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nếu như 10 năm trước trung tâm chỉ tiếp nhận 2 – 3 cặp vợ chồng mỗi ngày có các vấn đề về vô sinh, hiếm muộn thì năm 2015 con số này đã tăng lên gấp 20 lần.

Trong thế kỉ 21, vô sinh là vấn đề nguy hiểm được xếp hàng thứ 3, chỉ sau ung thư và bệnh tim. Đáng tiếc là tình trạng này đang ngày một gia tăng ở các nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam.

Vô sinh là thách thức lớn với ngành y học, là nỗi trăn trở của các chuyên gia, bác sĩ. Trong khi đó, việc tìm hiểu kiến thức sinh sản của người dân còn hạn hẹp. Vô sinh gây áp lực lớn với các cặp vợ chồng, đặc biệt là người vợ, bởi thế không ít gia đình tan vỡ chỉ vì không đạt được niềm mong mỏi có con.

Vô sinh nữ là gì?

Vô sinh là bệnh mà khả năng mang thai và sinh con bị suy giảm hoặc hạn chế về một mặt nào đó. Đối với phụ nữ, vô sinh là tình trạng người vợ không thể mang thai trong ít nhất 6 tháng mặc dù tinh trùng, sức khỏe của người đàn ông hoàn toàn bình thường, tần suất quan hệ đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai nào.

Các yếu tố cần thiết để mang thai bình thường ở nữ giới

Sự rụng trứng: Để mang thai, buồng trứng của nữ giới cần phải sản xuất và giải phóng trứng đều đặn hàng tháng. Để biết rằng bạn có đang rụng trứng bình thường hay không thì cần dựa vào việc đánh giá sự đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt.

Tinh trùng của người chồng khỏe mạnh: Đối với mọi cặp đôi, sức khỏe của tinh trùng cũng là yếu tố then chốt để đảm bảo khả năng sinh sản bình thường. Đây không phải là vấn đề trừ khi bạn đời của bạn có tiền sử bệnh tật hoặc phẫu thuật. Để đánh giá sức khỏe của tinh trùng, các bác sĩ có thể thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết với chồng của bạn.

Tần suất giao hợp đều đặn: Bạn muốn có thai, bạn cần quan hệ tình dục thường xuyên quanh thời gian rụng trứng. Nếu bạn chưa rõ cách tính ngày rụng trứng để thụ thai, bạn có thể tham khảo tại bài viết này.

Cấu trúc ống dẫn trứng và tử cung thông suốt, bình thường: Trứng và tinh trùng gặp nhau trong ống dẫn trứng, phôi thai cần có tử cung khỏe mạnh để bám vào làm tổ và phát triển.

Để có thai, mọi bước trong quá trình sinh sản của con người phải diễn ra một cách chính xác. Các bước trong quy trình này là:

  • Một trong hai buồng trứng giải phóng một quả trứng trưởng thành.
  • Trứng được đón bởi vòi trứng.
  • Tinh trùng bơi lên cổ tử cung, qua tử cung và vào ống dẫn trứng để gặp trứng để thụ tinh.
  • Trứng đã thụ tinh sẽ di chuyển xuống vòi trứng để đi vào buồng tử cung.
  • Trứng đã thụ tinh bám vào thành tử cung làm tổ và phát triển trong tử cung.

Ở quá trình này, bất kì mắt xích nào bị gián đoạn thì đều gây trở ngại cho thụ thai.

Nguyên nhân nào gây ra vô sinh nữ?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên, rất khó để xác định chính xác nguyên nhân và một số cặp vợ chồng bị vô sinh “không rõ nguyên nhân” hoặc vô sinh “đa nguyên nhân” (nhiều nguyên nhân, thường do cả nam và nữ). Một số nguyên nhân có thể gây vô sinh ở nữ giới có thể bao gồm:

Các vấn đề với tử cung: Bao gồm polyp,u xơ, vách ngăn hoặc dính bên trong khoang của tử cung. Polyp và u xơ có thể tự hình thành bất cứ lúc nào, trong khi các bất thường khác (như vách ngăn tử cung) xuất hiện khi sinh. Sự kết dính có thể hình thành sau một cuộc phẫu thuật như nong và nạo (D&C).

 

Các vấn đề với ống dẫn trứng: Nguyên nhân phổ biến nhất của vô sinh “yếu tố ống dẫn trứng” là bệnh viêm vùng chậu , thường do chlamydia và bệnh lậu gây ra. Viêm vùng chậu có thể khiến vòi trứng bị viêm tắc, kết dính, do đó tình trùng với trứng sẽ không thể gặp và kết hợp với nhau được.

Các vấn đề về rụng trứng: Có nhiều lý do tại sao một người phụ nữ có thể không rụng trứng (giải phóng trứng) thường xuyên. Mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn ăn uống trong quá khứ, lạm dụng chất kích thích, tình trạng tuyến giáp, căng thẳng nghiêm trọng và khối u tuyến yên là những ví dụ về những điều có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.

Các vấn đề về số lượng và chất lượng trứng: Phụ nữ được sinh ra với tất cả số trứng mà họ sẽ có và nguồn cung này có thể “cạn kiệt” sớm trước khi mãn kinh, điều này xảy ra ở những người bị suy buồng trứng sớm. Ngoài ra, một số trứng sẽ có số lượng nhiễm sắc thể sai và không thể thụ tinh hoặc phát triển thành một bào thai khỏe mạnh. Một số vấn đề về nhiễm sắc thể này (chẳng hạn như “chuyển vị cân bằng”) có thể ảnh hưởng đến tất cả các trứng. Những người khác là ngẫu nhiên nhưng tình trạng này dường như phổ biến hơn ở những phụ nữ lớn tuổi, sau 35.

Những phụ nữ nào có nguy cơ cao bị vô sinh?

Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ vô sinh nữ ở phụ nữ, bao gồm cả tình trạng sức khỏe tổng thể, yếu tố di truyền, lối sống, môi trường sống và tuổi tác của họ. Các yếu tố cụ thể bao gồm:

  • Tuổi cao: Phụ nữ càng lớn tuổi thì khả năng sinh sản càng giảm. Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sinh sản là do: số lượng trứng ít hơn, nhiều trứng trong số đó có chứa nhiễm sắc thể bất thường, phụ nữ lớn tuổi mắc nhiều bệnh lí sức khỏe nhất là bệnh phụ khoa ảnh hưởng tới thiên chức làm mẹ.
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường.
  • Cân nặng không phù hợp: Quá béo hoặc thiếu cân, phụ nữ thường lao động thể chất khắc nghiệt, lượng mỡ trong cơ thể quá thấp cũng khó thụ thai.
  • Rối loạn tự miễn dịch (lupus, viêm khớp dạng thấp, bệnh Hashimoto, tình trạng tuyến giáp)
  • Sử dụng quá nhiều chất gây nghiện (uống nhiều rượu bia)
  • Hút thuốc lá
  • Hội chứng DES (DES là một loại thuốc được dùng cho phụ nữ để ngăn ngừa các biến chứng trong thai kỳ như sinh non hoặc sẩy thai . Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây vô sinh ở một số con của những bà mẹ đã dùng DES.)
  • Đã từng mang thai ngoài tử cung (ống dẫn trứng)
  • Các nguyên nhân tiềm ẩn khác: tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại, phóng xạ, căng thẳng kéo dài, trầm cảm…

Chẩn đoán vô sinh ở nữ giới

Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm sau tuổi 30. Phụ nữ dưới 35 tuổi nên đến gặp bác sĩ sau một năm cố gắng mang thai trong khi phụ nữ 35 tuổi trở lên nên đi khám sau 6 tháng cố gắng.

Trước tiên, bác sĩ sẽ lấy tiền sử bệnh của người bệnh và hỏi thăm về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử tình dục của người bệnh hay bất kỳ tình trạng hoặc bệnh tật nào có thể gây vô sinh.

Sau đó, họ sẽ tiến hành kiểm tra vùng xương chậu của người bệnh để kiểm tra các bất thường như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, đa nang buồng trứng hoặc các tình trạng như lạc nội mạc tử cung hoặc PID.

Thông qua xét nghiệm máu tại phòng khám bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem liệu bạn có rụng trứng đều đặn hàng tháng hay không.

Một số kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng khác cũng rất cần thiết để chẩn đoán vô sinh như là:

  • Siêu âm vùng chậu
  • Chụp xquang
  • Nội soi ổ bụng
  • Xét nghiệm hormone

Kết luận

Nếu bạn đã cố gắng mà vẫn chưa thể thụ thai, có thể bạn đang băn khoăn liệu mình có bị vô sinh hay không. Đừng ngần ngại, hãy chủ động tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để làm rõ vấn đề của mình. Mặc dù không phải mọi trường hợp vô sinh đều có nguyên nhân, nhưng bác sĩ sẽ đề xuất cho bạn những giải pháp phù hợp để tăng khả năng thụ thai trong tương lai.

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận