Kinh Nguyệt

Rong kinh là gì – có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

27 Tháng Tư, 2020
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Rong kinh là vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải hiện nay. Để tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị rong kinh, các bạn có thể đọc chi tiết bài viết sau của chúng tôi.

Các triệu chứng nhận biết phụ nữ bị rong kinh

Rong kinh xảy ra khi thời gian hành kinh của phụ nữ kéo dài quá 7 ngày. Lượng máu tiết ra có thể là nhiều, ít hoặc bình thường, nhưng đa phần rong kinh đi kèm với rong huyết (nghĩa là chảy máu kinh nhiều >80ml/kỳ).

Các dấu hiệu nhận biết rong kinh bao gồm:

  • Thời gian thay băng vệ sinh hay tampon thường xuyên hơn trong ngày.
  • Số lượng băng vệ sinh cần sử dụng tăng nhiều hơn, có thể là 7 – 8 miếng/ ngày thay vì 3 – 4 miếng/ ngày.
  • Tình trạng rong kinh có thể đi kèm với một số triệu chứng như là máu kinh vón cục, đau bụng kinh nhưng ra ít máu.
  • Phụ nữ bị rong kinh lâu ngày cơ thể thường bị suy nhược, da dẻ xanh xao, hay thở dốc, do bị thiếu máu.

Nguyên nhân gây rong kinh

Rong kinh được chia làm 2 nhóm, đó là rong kinh cơ năngrong kinh thực thể. Nguyên nhân cho mỗi trường hợp này cũng khác nhau.

Rong kinh cơ năng

Một số bé gái thường bị rong kinh khi bước vào tuổi dậy thì.

Rong kinh cơ năng là do sự mất cân bằng nội tiết gây ra. Rong kinh cơ năng thường hay gặp nhất ở giai đoạn đầu và cuối của thời kỳ sinh sản. Đó là khi nữ giới bước vào tuổi dậy thì và khi họ chuyển qua thời kỳ tiền mãn kinh.

Trong những năm đầu của tuổi dậy thì, hệ trục não bộ tuyến yên buồng trứng đang dần hoàn thiện. Nó có thể gây ra một số trục trặc nhất định, ảnh hưởng tới khả năng tiết hormone của buồng trứng. Vì thế, các bạn gái tuổi teen có thể gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt, trong đó có rong kinh.

Với phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh, đây là giai đoạn cơ thể đang dần lão hóa, vì thế chức năng của mọi bộ phận trên cơ thể đều suy yếu, không ngoại trừ hệ trục não bộ tuyến yên buồng trứng. Và đương nhiên, điều này ảnh hưởng tới sự sản sinh của các hormone sinh dục và gây ra rong kinh, rong huyết hoặc trễ kinh, kinh nguyệt ít.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ cao có thể tác động làm thay đổi nội tiết tố cũng góp phần gây ra hiện tượng rong kinh cơ năng, như là:

Rong kinh thực thể

Rong kinh thực thể là do những tổn thương thực thể tại cơ quan sinh dục hoặc do các bệnh lí toàn thân:

Tổn thương thực thể tại đường sinh dục: Viêm vùng chậu, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, polyp cổ tử cung, tăng sản nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung,

Tổn thương thực thể từ các bệnh lí toàn thân: Rối loạn đông máu, tiểu đường, bệnh lí tuyến giáp, bệnh lí về gan thận…

Rong kinh kéo dài nguy hiểm thế nào?

Nếu rong kinh chỉ diễn biến trong một hoặc một vài kỳ kinh nguyệt ngắn hạn thì không quá đáng ngại. Nhưng nếu như hiện tượng này kéo dài liên tiếp nhiều tháng thì sẽ gây ra những vấn đề ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sức khỏe của phụ nữ.

Thứ nhất, hiện tượng rong kinh kéo dài khiến các chị em gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt cá nhân cũng như đời sống vợ chồng.

Thứ hai, rong kinh về lâu về dài sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu, khiến cơ thể phụ nữ suy nhược, mệt mỏi.

Thứ ba, nếu như các chị em không chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách thì sẽ rất dễ bị viêm nhiễm phụ khoa.

Thứ tư, rong kinh là biểu hiện cho hiện tượng rối loạn rụng trứng, do đó nó cũng ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng sinh sản của phụ nữ.

Thứ năm, rong kinh là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn trong cơ thể, nếu như chủ quan không điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác, thậm chí là nguy hại cho tính mạng.

Phụ nữ nên – không nên làm gì khi bị rong kinh?

  • Nếu thấy máu chảy nhiều, thì nên nằm nghỉ, tránh vận động quá mạnh
  • Rong kinh kèm theo triệu chứng đau bụng thì có thể thực hiện một vài phương pháp giảm đau tại nhà như là chườm khăn ấm lên bụng, massage bụng, uống trà gừng để điều kinh.
  • Các chị em cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung thêm các thực phẩm giàu magie, kẽm, sắt. Không nên uống bia, rượu, hút thuốc lá hay sử dụng cà phê.
  • Phụ nữ cần chú ý trong việc quản lý cân nặng, tránh để thừa cân, tiềm ẩn nguy cơ rong kinh.
  • Nếu tình trạng rong kinh kéo dài quá 3 chu kỳ liên tiếp thì nên tới bệnh viện khám để được biết rõ nguyên nhân cũng như cách điều trị hợp lí.
  • Các chị em nên cân bằng giữa công việc, chăm sóc gia đình và nghỉ ngơi, thư giãn để tránh bị mệt mỏi, căng thẳng quá độ, ảnh hưởng tới việc điều tiết hormone trong cơ thể.

Xác định phương pháp điều trị rong kinh

Rong kinh có thể điều trị bằng thuốc Tây y, thuốc Đông y hoặc can thiệp ngoại khoa tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này, mức độ của triệu chứng, độ tuổi của người bệnh cũng như nguyện vọng sinh sản của họ.

Điều trị nội khoa

Những loại thuốc được kê đơn cho tình trạng rong kinh, rong huyết thường là:

Thuốc kháng viêm không steroid: Những loại thuốc này có tác dụng làm giảm lượng máu chảy trong kỳ kinh, cũng như cải thiện tình trạng đau bụng kinh của người bệnh.

Thuốc tránh thai hằng ngày (vỉ 21 hoặc 28 viên): Thuốc tránh thai là một trong những loại thuốc điều hòa kinh nguyệt nhờ khả năng giải phóng hormone progesteron và estrogen giảm số ngày hành kinh.

Tranexamic acid: Thuốc có khả năng ức chế phân hủy plasminogen và các tác nhân đông máu , giảm phân hủy fibrin trong khối máu đông hình thành từ trước đó giúp giảm giảm lượng máu mất ( từ 29-58%) và chỉ cần dùng trong lúc đang chảy máu. Lưu ý thuốc không sử dụng cho những bệnh nhân bị rối loạn đông máu, tắc động mạch võng mạc, huyết khối não, huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi.

Thuốc nội tiết: Thuốc nội tiết đường uống bao gồm hormone progesteron giúp điều chỉnh sự cân bằng homrone, để cải thiện triệu chứng rong kinh, rong huyết. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể phải truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Dùng thuốc này sẽ làm ngừng sự chảy máu cấp tính. Nếu tiêm hay uống các thuốc này sau 24 giờ mà vẫn ra máu thì  cần nghĩ đến nguyên nhân khác để xử lí.

Đặt vòng tránh thai nội tiết (Liletta hoặc Mirena): Việc đặt vòng có thể gây rong kinh ở một số người nhưng nó cũng có tác dụng cải thiện tình trạng này ở một số người khác. Chính vì thế, người ta có thể lợi dụng đặt vòng nội tiết để điều chỉnh thời gian hành kinh ở những phụ nữ vừa muốn có một phương pháp ngừa thai an toàn mà lại duy trì được chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.

Viên uống bổ sung sắt: Thông qua xét nghiệm máu, nếu như thấy chỉ số hồng cầu thấp thì nhận định rằng có thể người bệnh bị thiếu sắt. Do đó sẽ được bổ sung viên nang sắt.

Xem thêm: Điều trị rong kinh, rối loạn kinh nguyệt bằng các bài thuốc Đông y

Điều trị ngoại khoa

Bệnh nhân có thể cần điều trị bằng thủ thuật hay phẫu thuật nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Có những phương pháp điều trị sau:

Nong và nạo buồng tử cung: Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ nong cổ tử cung, sau đó dùng một dụng cụ khác để nạo hay hút lớp tế bào nội mạc tử cung. Khi lớp tế bào này được nạo đi, triệu chứng chảy máu sẽ giảm ngay lập tức.

Phá hủy nội mạc tử cung: Lớp lót nội mạc tử cung sẽ bị phá huỷ bởi nhiệt, tia laser hay sóng cao tần, từ đó ngăn chặn hiện tượng chảy máu kéo dài.

Thuyên tắc động mạch tử cung: Phương pháp này không phải phẫu thuật. Người ta bơm thuốc để làm tắc động mạch tử cung, ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến tử cung. Thường áp dụng với những bệnh nhân mất máu nhiều do rong kinh.

Phẫu thuật: Một số bệnh lí phụ khoa bắt buộc phải áp dụng phẫu thuật (mổ nội soi hoặc mổ hở) để điều trị giúp chấm dứt tình trạng rong kinh và những ảnh hưởng khác. Chẳng hạn như phẫu thuật nội soi bóc tách u xơ tử cung để ngăn chặn chảy máu kéo dài. Trong những trường hợp nghiêm trọng như ung thư thì có thể phải cắt bỏ cả tử cung, buồng trứng và các phần phụ để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân. Những người có bệnh lí về tử cung, buồng trứng nếu đã không còn nguyện vọng sinh sản thì sẽ được chỉ định cắt bỏ hoàn toàn tử cung/ buồng trứng nhằm tránh nguy cơ tái phát.

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận