Kinh Nguyệt

Đau bụng dữ dội khi hành kinh và cách chữa trị tại nhà

26 Tháng Sáu, 2020
- Tác giả: - Author: Vũ Hoàng Anh

Đau bụng kinh thường là những cơn đau nhăm nhăm, âm ỉ khiến vùng bụng dưới khó chịu. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều chị em bị đau bụng kinh dữ dội khi hành kinh khiến những “ngày ấy” trở thành nỗi ám ảnh. Vậ nguyên nhân đau bụng dữ dội khi hành kinh là gì? Cách điều trị đau bụng kinh thế nào cho hiệu quả? Cùng tham khảo trong bài viết dưới đây! 

Tìm hiểu đau bụng kinh dữ dội là gì?

Đau bụng kinh thực chất là những cơn co thắt hoặc đau nhói, quặn ở vùng bụng dưới. Cơn đau thường xuất hiện tại thời điểm trước và trong những ngày đèn đỏ. Một số phụ nữ chỉ cảm thấy hơi khó chịu, mệt mỏi và ít bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng lại có nhiều chị em bị đau bụng dữ dội khi hành kinh. Cơn đau cản trở các hoạt động bình thường của họ trong một vài ngày. 

Biểu hiện của đau bụng kinh

  • Đau bụng dưới âm ỉ hoặc dữ dội và kéo dài. 
  • Đau thắt lưng
  • Bụng có cảm giác đầy hơi
  • Hậu môn luôn muốn đi ngoài
  • Một số ít người gặp triệu chứng đau ngực, buồn nôn, ỉa chảy. 

Đau bụng kinh được chia thành 2 loại

  • Đau bụng kinh nguyên phát: Người bệnh không gặp bất kỳ bệnh lý gì về cơ quan sinh dục nhưng vẫn bị đau bụng. Loại này thường gặp ở phụ nữ dưới 25 tuổi, chưa kết hôn và sinh con. Cơn đau thường xuất hiện sau chu kỳ rụng trứng. 
  • Đau bụng kinh thứ phát: Cơ quan sinh dục có nhiều thay đổi. Người bệnh gặp một số bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung,… 

Rất khó để phân biệt 2 loại đau bụng kinh trên. Bởi các biểu hiện lâm sàng của chúng tương đối giống nhau. Thực chất đây là 2 dạng thống kinh. Người bệnh nên đi thăm khám để xác định đau bụng dữ dội khi hành kinh do đâu để có cách xử lý đúng và kịp thời. 

Đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến thường xảy ra trước và trong kỳ kinh nguyệt
Đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến thường xảy ra trước và trong kỳ kinh nguyệt

Đau bụng kinh dữ dội có nguy hiểm không? 

Thông thường, đau bụng kinh chỉ kéo dài từ 1 – 2 ngày đầu chu kỳ kinh nguyệt. Cơn đau ở mức độ vừa phải và trong khả năng chịu đựng. Đây là triệu chứng hoàn toàn bình thường và không có gì nguy hiểm. Nếu cơn đau kéo dài suốt cả chu kỳ kinh nguyệt, hoặc trên 7 ngày kèm theo các triệu chứng khác như rong kinh, kinh vón cục, thâm đen… thì cần thăm khám sớm. Các triệu chứng này có thể cảnh báo một số bệnh lý phụ khoa nguy hiểm như: 

  • U xơ tử cung: Trong tử cung xuất hiện khối u có kích thước từ nhỏ đến lớn. Thậm chí, khối u có kích thước to như quả dưa hấu. Nữ giới bị u xơ tử cung có thể thấy một hoặc nhiều khối u cùng lúc. 
  • Nội mạc tử cung bị lạc: Đây là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung không nằm đúng vị trí. Chúng được tìm thấy ở bên ngoài tử cung phụ nữ như ống dấn trứng, buồn trứng, sau tử cung, thậm chí là trên bàng quang. Tương tự như niêm mạc tử cung, nội mạc tử cung bị lạc đến thời kỳ kinh nguyệt cũng gây chảy máu gây đau đớn. Các chất kết dính được tạo thành bên trong khung chậu, nơi máu chảy ra và khiến các cơ quan dính vào nhau gây đau đớn. 
  • U nang buồng trứng: Thực chất đây là những túi chứa đầy chất lỏng hình thành trên buồng trứng giống như 1 phần của nang trứng. Khi trứng không được giải phóng hoặc túi hình thành của trứng không tan sau khi trứng giải phóng có thể hình thành nên các u nang. 

Nguyên nhân đau bụng dữ dội khi hành kinh

Đau bụng kinh dữ dội có thể gây ra bởi nhiều tác động như:

  • Do cơ thể tiết lượng hormone Prostaglandin (PG) quá nhiều khi đến tháng. Đây là loại hormone có tác dụng cảm nhận cơn đau hoặc quá trình viêm. Vậy nên Prostaglandin trong máu càng cao thì cơn đau bụng kinh càng dữ dội trong những ngày hành kinh.
  • Do lực co thắt tử cung quá lớn. Đến chu kỳ kinh nguyệt lớp niêm mạc tử cung bong ra và lắng xuống lòng tử cung. Lúc này cơ trơn tử cung sẽ hoạt động co bóp tống đẩy lớp niêm mạc tử cung (có lẫn máu) ra bên ngoài. Nếu lực co thắt quá mạnh có thể gây cơn đau bụng đột ngột khiến chị em rất khó chịu.
  • Do tử cung bị các dị tật như: tử cung ngả trước, tử cung ngả sau, hẹp tử cổ tử cung… khiến máu kinh khó thoát ra bên ngoài và gây đau bụng kinh dữ dội.
  • Do các bệnh lý. Cơn đau bụng kinh dữ dội bất thường và kéo dài trong nhiều tháng không tự khỏi cũng có thể gây ra bởi các bệnh lý phụ khoa, bệnh lý vùng chậu ở nữ giới. Các bệnh lý thường gặp như: lạc nội mạc tử cung, lạc tuyến nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu, u nang buồng trứng…
  • Do stress, căng thẳng hoặc bị ảnh hưởng tâm lý mạnh trong những ngày hành kinh.
  • Do chế độ ăn không phù hợp. Ăn thức ăn lạnh hoặc uống đồ uống không có lợi như các chất kích thích, đồ uống có chứa cồn…

Cách điều trị đau bụng kinh

Để chữa trị đau bụng kinh dữ dội một cách hiệu quả và triệt để, trước tiên chị em cần tìm chính xác nguyên nhân bệnh từ đó có hướng điều trị phù hợp. Cụ thể:

Trường hợp bị đau bụng dữ dội do bệnh lý gây ra

Nếu chị em bị cảm giác đau bụng kinh dữ dội không thể chịu đựng được mỗi khi hành kinh và kéo dài trong nhiều tháng không tự khỏi, hãy chủ động thăm khám sức khỏe sinh sản. Dựa trên kết quả thăm khám, bác sĩ phát hiện sớm các bệnh lý (nếu có) và có phương pháp chữa trị phù hợp. Mục đích giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như làm dứt cơn đau bụng kinh. Với các bệnh lý phụ khoa, thường bác sĩ sản phụ khoa sẽ có hướng điều trị nội khoa bằng thuốc uống giúp điều trị bệnh từ bên trong. Tùy thuộc từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị khác nhau.

Đau bụng kinh dữ dội do bệnh lý cần làm gì?
Đau bụng kinh dữ dội do bệnh lý cần làm gì?

Lưu ý: Dahuong.vn không đưa ra lời khuyên về các loại thuốc chữa trị đau bụng kinh dữ dội do bệnh lý.

Cách giảm đau bụng kinh không do bệnh lý

Trường hợp chị em đã thăm khám sản phụ khoa nhưng có kết quả trả về bình thường (không có bệnh) nhưng vẫn bị đau bụng dữ dội khi hành kinh có thể tham khảo các cách giảm đau bụng kinh tại nhà như:

Chườm ấm bụng

Chị em có thể chườm ấm bụng bằng các vật dụng ấm như túi sưởi, túi chườm… hoặc tự tạo đồ chườm bụng bằng cách đổ nước nóng vào bình thủy tinh hoặc bình cao su rồi chườm vào vùng bụng dưới. Nước ấm sẽ có tác dụng giúp làm giãn cơ tử cung từ đó co thắt nhịp nhàng hơn. Theo đó, máu kinh được đẩy ra bên ngoài dễ dàng và cơn đau bụng kinh dịu đáng kể.

Massage nhẹ nhàng

Massage vùng bụng dưới nhẹ nhàng cũng là một cách giúp giảm đau bụng kinh nhanh tại nhà. Chị em có thể bắt đầu bằng việc xoa bóp với lực vừa phải quanh vùng bụng dưới giúp cơ bụng giãn ra, bụng nóng ấm và giảm co thắt đột ngột. Để làm tăng hiệu quả, có thể kết hợp sử dụng với dầu nóng

Uống nước ấm, tắm nước ấm trong những ngày nguyệt san.

Uống nước gừng tươi

Lấy vài lát gừng tươi cho vào ấm nước đun sôi khoảng 3 phút thì chắt ra. Pha thêm mật ong và dùng uống khi còn nóng sẽ cảm nhận hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dùng đắp gừng tươi bằng cách giã nát hoặc thái gừng thành từng lát rồi đắp lên vùng bụng dưới trong khoảng 5-7 phút. Hơi nóng của gừng sẽ làm giảm đau bụng kinh.

Uống nước gừng nóng là cách giảm đau bụng kinh hiệu quả
Uống nước gừng nóng là cách giảm đau bụng kinh hiệu quả

Uống nước ngải cứu

Ngải cứu là phương thuốc dân gian được từ trước đến nay được nhiều chị em sử dụng trong giảm đau bụng kinh, trị rối loạn kinh nguyệt rất tốt. Con gái có thể lấy ngải cứu cho vào nước đun sôi trong khoảng 5-10 phút thì chắt ra dùng uống trực tiếp để làm giảm cơn đau bụng nhé.

Thay đổi chế độ ăn uống hợp lý

Vào những ngày hành kinh, chị em nên lựa chọn các thức ăn có tính ấm; không ăn đồ ăn lạnh; thức ăn để nguội. Bổ sung đủ các loại rau xanh, trái cây chứa vitamin C, B6, E như đu đủ, súp lơ xanh, gạo lứt, thịt, cá… trong bữa ăn hàng ngày.

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Trong những ngày đèn đỏ, chị em nên chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước ấm kết hợp dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH phù hơp. Không nên quan hệ tình dục và tắm bằng nước lạnh trong những ngày hành kinh để tránh cơn đau dữ dội và kéo dài. 

Dùng thuốc giảm đau bụng kinh

Thuốc giảm đau bụng kinh luôn là giải pháp cuối cùng khi các cách giảm đau bụng kinh khác không có hiệu quả. Bởi thuốc giảm đau khi sử dụng trong kéo dài có thể gây nhờn thuốc. Đồng thời gây một số tác dụng phụ cho cơ thể. Đối với phụ nữ bị đau bụng kinh dữ dội vượt quá sức chịu đựng, uống thuốc giảm đau là cách làm có thể tham khảo. Một số loại thuốc có tác dụng giảm đau bụng kinh như: Aleve®, Duphaston®, Alverin, Alverin citrat…

Tóm lại, với các cơn đau bụng kinh do sinh lý, chị em có thể dễ dàng xử lý bằng một số mẹo đơn giản như chườm ấm, massage, uống nước ấm… Đau bụng dữ dội khi hành kinh cũng có thể cảnh báo một số bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Các cơn đau này thường khó cải thiện bằng các biện pháp tại nhà. Chị em cần thăm khám để được chẩn đoán nguyên nhân và có cách điều trị đúng.

Xem thêm: 8 “hồi chuông báo hiệu” ngày đèn đỏ của chị em sắp tới

guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận